Công viên chức nghỉ việc: “Vào - ra theo cơ chế thị trường”
Ngược lại, ở một thực tế khác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, khu vực công vẫn có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao và khả năng thu hút nguồn nhân lực…
Trên đây là một số điểm chính trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội; báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Ở kỳ họp này, Bộ trưởng Trà còn phải trả lời về nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây.
Về số lượng, Bộ trưởng cho biết, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, ở bộ, ngành có 7.102 người, địa phương có 32.450 người.
Theo trình độ đào tạo: Tiến sĩ có 653 người, chiếm 1,65%; Bác sỹ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%; Thạc sĩ có 4.018 người, chiếm 10,16%; Bác sĩ Chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%; Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; Cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%; Trung cấp có 6.972 người, chiếm 17,63%; Sơ cấp có 1.046 người, chiếm 2,64%.
Theo độ tuổi thì từ 40 tuổi trở xuống có 25.617 người, chiếm 64,77%; từ 41-50 tuổi có 7.861 người, chiếm 19,87%; trên 50 tuổi có 6.074 người, chiếm 15,36%.
Bộ trưởng đánh giá, số người nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức (chiếm 89,8%), công chức (chỉ chiếm 10,2%), cơ bản tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế), các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên nhiều cơ hội về việc làm; đồng thời ở nhóm tuổi từ 40 tuổi trở xuống, có trình độ đào tạo từ đại học, cao đẳng trở lên.
Việc công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua cũng là xu hướng tích cực “vào - ra theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Mặt khác, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 đã tuyển dụng được 143.961 công chức, viên chức (công chức là 18.857 người, viên chức là 125.104 người. Trong đó, viên chức giáo dục là 74.495 người và viên chức y tế là 38.147 người).
Số liệu nêu trên cho thấy, khu vực công vẫn có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao và khả năng thu hút nguồn nhân lực, bảo đảm kịp thời thay thế số công chức, viên chức nghỉ việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, bà Trà đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng cho rằng tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để công chức, viên chức phát huy tốt năng lực, theo Bộ trưởng cũng là nguyên nhân.
Giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, theo Bộ trưởng các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.
Bộ trưởng cũng đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đồng thời tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội diễn ra từ chiều 3/11 đến hết 5/11. Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ bắt đầu từ chiều 4/11 và thêm 1 tiếng trong sáng 5/11.