Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội: Nhiều băn khoăn
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội lần thứ 3.
Theo dự kiến, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện trong năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe. Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn.
Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Trong khi phương án trước đây, con số trạm thu phí được đơn vị tư vấn đề xuất chỉ là 87 trạm.
Dù khẳng định cần thiết để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, song việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội cũng đang tạo ra nhiều băn khoăn.
Nhiều điểm cần làm rõ
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội đã đưa ra nhiều lần, nhưng phương án cần phải đánh giá được tác động cụ thể đến chủ phương tiện.
Khi hạn chế ô tô vào nội đô thì cơ quan chức năng bố trí bãi đỗ xe thế nào? Giao thông công cộng ra vào nội đô đáp ứng được việc đi lại thuận tiện không? Điều này phải được làm rõ. Đặc biệt, mức phí vào nội đô cần quy định làm sao cho phù hợp. Bởi nếu giá vé gửi xe cao hơn phí vào nội đô, chủ phương tiện sẽ chấp nhận mất phí để vào nội đô thay vì gửi xe.
"Cơ quan đề xuất xây dựng đề án của thành phố cần nhìn nhận trước các vướng mắc, khó khăn để điều tiết trong quá trình áp dụng", ông Thanh lưu ý.
Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, vấn đề thu phí nội đô không mới, tuy nhiên phải xem xét điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của Thành phố Hà Nội để có giải pháp thích hợp.
“Ở các nước trên thế giới, thu phí nội đô chỉ thu một lần. Ngoài ra, văn minh giao thông, hạ tầng giao thông và cả ý thức tự giác của người dân tại các nước này khác so với ở Việt Nam. Do đó, dù chỉ thu một lần nhưng trật tự giao thông được thể hiện rõ qua hiệu quả quản lý”, đại biểu Lê Thanh Vân thông tin.
"Cần thận trọng"
Về việc Hà Nội dự kiến xây dựng 100 trạm kiểm soát như một mạng lưới bủa vây nội đô, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải hết sức thận trọng vì chưa biết sẽ thu được bao nhiêu tiền nhưng chi cho đội ngũ quản lý sẽ tăng lên nhiều lần.
Vị đại biểu này cũng lấy ví dụ tại TP.HCM trước đây lập ra đội ngũ quản lý thu phí dừng đỗ, đến nay phải bù lỗ. Chính vì vậy, cần đánh giá một cách hết sức tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân và cần lấy ý kiến người dân một cách rộng rãi qua một tổ chức độc lập theo Luật trưng cầu ý dân.
"Tôi rất lo ngại về đề án này vì với 100 điểm thu phí, dự toán khoảng 2.600 tỷ để xây dựng các trạm, chưa nói đến bộ máy hoạt động, tổng thể để chi cho việc thực hiện sẽ "đội" lên bao nhiêu trong khi chưa thể rõ sẽ thu được bao nhiêu. Bài học BRT vẫn còn đó, ở Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách đưa ra nhưng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng", đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Thay bằng thu phí vào nội đô như đề xuất của Hà Nội, vị đại biểu Cà Mau đề xuất áp dụng hình thức bán vé dán vào biển số xe để dễ kiểm soát, việc kiểm soát có thể giao cho Cảnh sát Giao thông và Cảnh sát Trật tự Đô thị kiêm nhiệm thêm.
Về vấn tính khả thi, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) cho biết, giao thông Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết và thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này.
“Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay thế, nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được”, ông Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng Hà Nội phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Đồng thời phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc thu phí, tổ chức phân luồng từ xa đảm bảo không để xảy ra ùn tắc tại các trạm, không gây phiền hà cho người dân.