Đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động
Đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động |
Theo thống kê của tổ chức công đoàn tính đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Ngoài số bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc nhưng vẫn có hưởng lương; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì có hơn 48.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Khi người lao động mất việc làm, họ sẽ được trợ cấp Bảo hiểm Thất nghiệp và được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu học nghề thì đa số người lao động khi mất việc lại thường chọn phương án hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù tỷ lệ nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm Thất nghiệp ở mức cao, nhất là từ khi có dịch Covid-19 nhưng số người thất nghiệp lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Được biết, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.
Chính sách này giúp họ có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên, không mấy người lựa chọn phương án này.
Giới chuyên gia cho rằng, do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, mà nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta lớn nên người lao động dễ tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp. Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, việc hỗ trợ lao động nâng cao tay nghề là quá ít, không đủ sức hấp dẫn để thu hút người lao động.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - đề xuất, để việc thực hiện chính sách hiệu quả hơn, cần tăng cường tư vấn dịch vụ pháp lý cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện Luật Việc làm. Từ đó, hình thành văn hóa tuân thủ, thực hiện pháp luật của người sử dụng lao động trước các biến cố của thị trường lao động. Các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ hơn, đặc biệt cần tập trung vào chức năng cơ bản của Trung tâm giới thiệu việc làm là giới thiệu, kết nối việc làm.
Về chính sách hỗ trợ học nghề cần cụ thể hơn, nâng mức hỗ trợ này lên.