Doanh nghiệp gặp khó khăn có được hoãn trả lương? Người lao động nên làm gì khi bị nợ lương, thưởng?
Công ty Igarten thất hẹn trả thưởng kinh doanh, người lao động có quyền khởi kiện |
Doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động từ 15 ngày trở lên phải đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi của ngân hàng. Ảnh minh họa |
Quy định của pháp luật về tiền lương, thưởng
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Về nguyên tắc, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động được phép thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc. Trước khi thực hiện việc thưởng cho người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành quy chế thưởng và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Khoản tiền thưởng kinh doanh này không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên, đây vẫn là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Doanh nghiệp gặp khó khăn có được hoãn trả lương, thưởng cho người lao động không?
Về vấn đề này, Thạc sĩ, chuyên gia tư vấn luật Lê Đức Minh cho biết, khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động quy định: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
“Như vậy, chỉ khi có lý do bất khả kháng không thể khắc phục, công ty mới được phép chậm trả lương cho người lao động trong thời gian không quá 30 ngày. Nếu công ty chậm trả lương từ 15 ngày trở lên, thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm” - Thạc sĩ Luật Lê Đức Minh nhấn mạnh.
Còn đối với tiền thưởng, hiện Bộ luật Lao động chỉ quy định về hình thức thưởng có thể bằng tiền hoặc tài sản hoặc các hình thức khác mà không đề cập đến thời điểm trả thưởng. Do đó, thời hạn trả, lương thưởng sẽ do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận, thống nhất với nhau.
Trường hợp bị nợ lương, thưởng người lao động nên làm gì?
Theo Thạc sĩ, chuyên gia tư vấn luật Lê Đức Minh, nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về việc trả lương, thưởng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người lao động có thể tiến hành các phương án sau:
Khiếu nại theo Điều 15 của Nghị định 24/2018/NĐ-CP:
Người lao động có thể gửi khiếu nại lần 1 đến người sử dụng lao động. Trong trường hợp không ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người sử dụng lao động, người lao động gửi khiếu nại lần thứ 2 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày kể từ ngày người lao động nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sự dụng lao động (trừ trường hợp, người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại). Do đó người lao động cần lưu ý thực hiện việc khiếu nại trong vòng thời gian này tránh việc khiếu nại rơi vào trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết.
Thông qua hòa giải viên lao động:
Người lao động cũng có thể thông qua hòa giải viên lao động. Theo Điều 184 Bộ luật lao động 2019 và Điều 95 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Việc cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ hòa giải do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo phân cấp trong quy chế quản lý hòa giải viên lao động.
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (theo khoản 1 Điều 190 của Bộ luật Lao động).
Khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền:
Nếu hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết, người lao động có thể tiếp tục yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết (theo quy định tại Điều 191 và 192 của Bộ luật lao động).
Khi người lao động khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hiệu giải quyết quyết tranh chấp lao động là 1 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (theo khoản 3 Điều 190 của Bộ luật Lao động).
Mức xử phạt người sử dụng lao động có hành vi chậm trả lương cho người lao động
Chế tài xử phạt người sử dụng lao động đối với hành vi trả lương không đúng hạn được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 17 của Nghị Định 12/2022/NĐ-CP như sau:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 5 Điều 17 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sau: Trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trả lương cho người lao động (quy định tại khoản 2, 3 Điều 17 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Mức phạt quy định phía trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Yêu cầu người lao động làm tăng ca nhưng không trả lương bị xử phạt như thế nào? Tiền lương làm thêm giờ là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm. |
Chi tiết kỳ hạn và hình thức trả lương cho người lao động Quy định về kỳ hạn trả lương cho người lao động theo Điều 97 Bộ luật Lao động. |
Sai phạm trong khấu trừ tiền lương và huy động người lao động làm thêm giờ bị xử phạt như thế nào? Từ vụ việc Công ty TNHH Nobland Việt Nam bị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 170 triệu đồng về ... |