Sai phạm trong khấu trừ tiền lương và huy động người lao động làm thêm giờ bị xử phạt như thế nào?
Người sử dụng lao động vi phạm quy định liên quan đến công đoàn có thể bị phạt nặng |
Người sử dụng lao động khấu trừ tiền lương của trên 301 người lao động không đúng quy định có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng. Ảnh minh họa |
Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Nobland Việt Nam (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) tổng số tiền 170 triệu đồng về 2 hành vi vi phạm gồm: khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định pháp luật (70 triệu đồng) và huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá 300 giờ/năm (100 triệu đồng). Mức phạt trên dựa theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu công ty nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Vậy quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề khấu trừ tiền lương của người lao động và huy động người lao động làm thêm giờ như thế nào?
Khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định pháp luật
Điều 102, Bộ luật Lao động 2029 quy đinh về khấu trừ tiền lương như sau: Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Theo Khoản 2, Điều 17, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật bị xử phạt theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Bên cạnh đó, theo khoản 5, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Mức phạt trên được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần.
Huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật
Điều 105, Bộ luật Lao động 2029 quy định, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Điều 107, Bộ luật Lao động 2029 quy định, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây: Phải được sự đồng ý của người lao động. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm.
Ngoài ra, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
- Trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Theo Khoản 4, Điều 18 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Mức phạt trên được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần.
Người lao động bị trừ lương với nội dung "hỗ trợ tuyển dụng" có đúng không? Người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông qua tuyển dụng từ trung tâm dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, ngay tại tháng lương ... |
Sử dụng lao động chưa thành niên có thể bị xử phạt tới 75 triệu đồng Căn cứ khoản 1 Điều 3 BLLĐ năm 2019 quy định về lao động chưa thành niên: “Lao động chưa thành niên là người lao ... |
Tính sai thời gian và tiền lương trợ cấp thôi việc của người lao động: Các mức xử lý Người lao động nếu đáp ứng đủ điều kiện nhận trợ cấp thôi việc và không thuộc một trong các trường hợp không được nhận ... |