Doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế nỗ lực để tăng trưởng xanh
Những nỗ lực đằng sau đơn hàng
Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là những mục tiêu không thể tách rời trong xu hướng phát triển toàn cầu. Đặc biệt mục tiêu này còn được xem như sự sống còn của doanh nghiệp khi mà chỉ số về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường cũng được xem là tiêu chuẩn, thước đo uy tín trong sự lựa chọn đằng sau mỗi đơn hàng từ đối tác. Đây cũng chính là lý do các doanh nghiệp không chỉ chú trọng đẩy mạnh cải tổ dây chuyển, đầu tư công nghệ sản xuất mà còn đầu tư về con người, chú trọng bồi dưỡng nhân lực để thích ứng ngày càng tốt hơn đảm bảo mục tiêu kép là phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường một cách tốt nhất.
Công nhân, người lao động làm việc tại Công ty TNHH MSV, KCN Phú Bài, Thừa Thiên Huế: Ảnh: Q.H |
Tại Công ty TNHH MSV – công ty chuyên về may mặc 100% vốn của Nhật Bản đóng tại Khu công nghiệp Phú Bài, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm qua, Ban lãnh đạo công ty đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi kinh tế xanh, như xây dựng nhà xưởng, có quy trình sản xuất xanh, tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên. Cụ thể Công ty sử dụng linh hoạt năng lượng có khả năng tái sinh, như lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời ngay trên mái nhà. Trong số điện năng tiêu hao toàn nhà máy có tới hơn 30% là được lấy từ năng lượng điện mặt trời. Do đó, ước tính giảm bớt đi hơn 500 tấn CO2 mỗi năm.
Điện mặt trời áp mái nhà tại Công ty TNHH MSV nhằm giảm thải CO2. Ảnh: Q.H |
Biện pháp làm giảm sự tiêu thụ điện năng còn nhờ vào việc phun nước RO vào dàn nóng của điều hòa mà giảm tải sức chịu đựng khi trao đổi nhiệt. Nhờ đó làm giảm tiêu hao điện lực của chính hệ thống điều hòa không khí (màng lọc nước thẩm thấu ngược).
“Theo xu hướng chung thì không những đối với doanh nghiệp may mà tất cả các ngành nghề, bắt buộc phải “xanh hóa”, đồng thời các doanh nghiệp có những kế hoạch đẩy mạnh công tác truyền thông về kinh tế xanh nhằm góp phần công cuộc xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch đẹp, không rác thải và thân thiện với môi trường”, anh Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MSV, chia sẻ.
Cũng theo anh Lê Quý Hoàng, đồng hành với lãnh đạo công ty, Ban chấp hành Công đoàn tại Công ty luôn vận động, tuyên truyền cho gần 1000 đoàn viên - công nhân lao động trong công ty nâng cao ý thức, trách nhiệm không ngừng học tập để không chỉ cải thiện năng suất lao động mà còn làm chủ công nghệ, làm chủ thiết bị, vận hành sản xuất bám sát mục tiêu tăng trưởng xanh của lãnh đạo công ty.
Vị trí lắp đặt sản xuất RO và cấp nước cho dàn điều hòa tại Công ty TNHH MSV để bảo vệ môi trường. Ảnh: L.Q.H |
“Để xây dựng một doanh nghiệp xanh là doanh nghiệp phải tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên hiệu quả, giảm thiểu phát thải và chất thải, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.”, anh Hoàng nói.
Vị chủ tịch Công đoàn cơ sở nảy cho biết tại MSV, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng giám đốc Furuta Shiyna, ngoài các biện pháp cải thiện hệ thống hạ tầng, máy móc thiết bị, công ty còn chú trọng đầu tư con người như: tăng cường phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức cho trong toàn bộ, công nhân, người lao động của công ty cùng với cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường; khuyến khích những sáng kiến, hành động bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày; chuyển đổi từ tiêu dùng hàng hóa thông thường sang tiêu dùng hàng hóa xanh.
Cũng trong ngành May mặc, hồi tháng 10/2024, Công ty cổ phần Dệt may Huế (Huegatex) đã khởi công xây dựng Nhà máy May 3 tầng tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Đây là công trình đảm bảo sản xuất dự kiến cho hơn 1.700 công nhân.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành Dệt may ở Thừa Thiên Huế nỗ lực vì tăng trưởng xanh. Ảnh: ĐVCC |
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Huegatex, Nhà máy xây dựng theo tiêu chuẩn LEED của tổ chức Công trình xanh Hoa Kỳ. Đảm bảo mục tiêu "xanh hóa" nhà máy nhằm giảm phát thải CO2, cũng như giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao chất lượng môi trường làm việc của người lao động. Như ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời; sử dụng 100% đèn LED nhằm giảm điện năng tiêu thụ, tiết kiệm tài nguyên nước thông qua thiết bị vệ sinh hiệu quả và sử dụng nước tái chế cho hệ thống tưới tiêu; toàn bộ nhà máy sẽ được làm mát và cấp gió tươi bằng hệ thống điều hòa Daikin hiệu suất cao kết hợp hệ thống thông gió... Tại lễ khởi công, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhấn mạnh sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ hoạt động theo mô hình sản xuất xanh, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững của khách hàng, thị trường.
Được biết thị trường của Huegatex chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Các đối tác đều đặt ra các mục tiêu giảm phát thải và kinh tế tuần hoàn trong toàn chuỗi cung ứng. Từ 4 năm trước, công ty đặt mục tiêu giảm 1% lượng khí thải, nước thải và rác thải trên mỗi đơn vị sản phẩm và đã triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả. Hiện công ty tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm 3% lượng điện tiêu thụ, bằng việc triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; đầu tư hệ thống quan trắc tự động, đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia... Ngoài ra, công ty cũng “xanh hóa” nhà máy và sản phẩm bằng cách tổ chức sản xuất sản phẩm sợi tái chế, vải sử dụng sợi tái chế và hàng may mặc sử dụng nguyên liệu có thành phần sợi tái chế. Đối với hệ thống lò hơi, lò nhiệt cung cấp hơi cho hoạt động dệt nhuộm, Huegatex sử dụng nguyên liệu sinh khối như bột gỗ, củi trấu để đốt lò nhằm giảm khí thải, giảm tác động đến môi trường.
Những nỗ lực này không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, mà còn định hình thương hiệu dựa trên những tiêu chí và hành động cụ thể đối với việc hội nhập vào nền kinh tế xanh.
Theo anh Lê Quý Hoàng, không chỉ ở MSV mà hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều phải định hướng tăng trưởng xanh, bởi đây là xu hướng toàn cầu. Đây điều kiện để doanh nghiệp hội nhập, nhưng cũng là phương thức tạo dựng thương hiệu, uy tín để đối tác lựa chọn hợp tác. “Nếu anh không phát triển theo tiêu chí xanh, tăng trưởng xanh, đối tác sẽ từ chối hợp tác với anh. Một khi như vậy thì đơn hàng không đảm bảo, doanh thu sụt giảm, người lao động mất việc làm, mất thu nhập. Lợi ích người lao động, lợi ích doanh nghiệp chính là tính bền vững trong phát triển, là sự gắn kết với cộng đồng vì những mục đích mang tính toàn cầu.”, anh Hoàng bộc bạch.
Công nhân tại Cảng Chân Mây thực hiện thường xuyên công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, gìn giữ cảnh quan xanh sạch. Ảnh: C.M.P |
Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Lý, công nhân một doanh nghiệp FDI tại Khu Công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ doanh nghiệp anh làm chủ yếu là mặt hàng thực phẩm xuất khẩu. Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là các mục tiêu mà anh cũng như các công nhân khác thường được cấp quản lý nhắc đến. Qua đó biết được đối tác công ty ở nước ngoài rất xem trọng công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, nên công ty luôn đề cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng công nhân, người lao động. “Sản xuất xanh, sạch đáp ứng các tiêu chí của đối tác sẽ mang lại sự tin cậy, uy tín của công ty. Từ đó công ăn việc làm của anh em công nhân chúng tôi sẽ ổn định hơn.”, anh Lý nói.
Tăng trưởng xanh từ “ý thức xanh”
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang đứng trước vận hội lớn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt ngày 30/12/2023, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương và ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác vì sự phát triển xanh năm 2022. Ảnh: Đình Toàn |
Để chuẩn bị cho cuộc hành trình xây dựng vị thế mới của mình, từ nhiều năm trước tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoạch định các chiến lược phát triển, trong đó lấy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để làm mục tiêu xuyên suốt. Đây cũng là lý do trong chính sách thu hút đầu tư, tỉnh luôn chọn lọc và ưu tiên những doanh nghiệp đồng hành với tỉnh trong mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đại diện một số doanh nghiệp trong và ngoài nước khảo sát, tìm hiểu về môi trường đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022. Ảnh: Đình Toàn |
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để đảm bảo định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế; trong đó tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như phát triển công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm. UBND tỉnh cũng đã ban hành các giải pháp thực hiện cụ thể như lồng ghép việc thực hiện phát triển tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế xã hội; tích hợp kết quả đánh giá vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch liên quan đến huy động nguồn lực và phân bổ ngân sách các cấp, các ngành theo thẩm quyền; tăng cường đối thoại công - tư về tăng trưởng xanh, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.
Video clip Thừa Thiên Huế với những tiềm năng về phát triển đô thị xanh và các khu công nghiệp xanh
Cùng với đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa tăng trưởng xanh; phổ biến những quy định, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và trách nhiệm của xã hội; khuyến khích những hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống, chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai trong các chương trình mục tiêu quốc gia cùng các kênh truyền thông của các cơ quan, ban ngành, địa phương.