Dự báo quý 4 tăng trưởng âm, xuất khẩu gỗ có đạt được mục tiêu 16,5 tỷ USD?
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,114 tỷ USD, giảm 21% so với tháng trước, trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 734,973 triệu USD, giảm đến 17% so với tháng 8/2022. Đây là mức giảm mạnh nhất trong lịch sử ngành gỗ.
Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ có mức giảm sâu nhất trong lịch sử ngành hàng
Cộng dồn 9 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 12,275 tỷ USD. Riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,572 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021, chiếm tỷ trọng đến 69,83%/ tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Mặc dù 9 tháng qua xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có tăng nhưng không nhiều, dự báo xuất khẩu quý cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, và mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD của ngành gỗ sẽ khó đạt.
Nhận xét về hoạt động của ngành gỗ trong thời gian qua, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Gỗ Hiệp Long cho biết, tình hình hoạt động của ngành gỗ trong thời gian qua không được khả quan lắm.
Từ tháng 1 đến tháng 4/2022, xuất khẩu gỗ rất tốt, doanh số tăng nhưng từ tháng 5 đến tháng 9, doanh số giảm và giảm một cách đáng ngại. Do hầu hết các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chỉ có một số doanh nghiệp đủ công việc để làm 6 ngày/tuần. Theo thống kê có đến 50% doanh nghiệp giảm 50% công suất, tình hình hiện nay là rất xấu và không biết tình hình này sẽ còn diễn biến đến khi nào?
Trong khi có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ điêu đứng vì thiếu đơn hàng, thì Hiệp Long với hơn 30 năm hoạt động đã xây dựng được uy tín, và lòng tin của khách hàng nên vẫn hoạt động tốt. Trong đó, đa phần là khách hàng cao cấp nên dù thế giới trải qua cuộc khủng hoảng nhưng họ ít bị ảnh hưởng, nhờ vậy công ty vẫn còn việc làm đến tháng 2/2023, nhưng sau đó như thế nào thì chưa biết.
Năm 2022, Hiệp Long có thể chỉ đạt khoảng 95% kế hoạch mục tiêu, và tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn khá hơn các doanh nghiệp khác”, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Gỗ Hiệp Long chia sẻ.
Xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang Hoa Kỳ giảm, kéo tụt kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ
ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Gỗ Hiệp Long |
Tổng giám đốc công ty Gỗ Hiệp Long cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm là do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố, như ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 làm giảm xuất khẩu, giờ đến yếu tố lạm phát và chiến tranh Nga - Ukraina, khiến các nhà nhập khẩu cảm thấy bất ổn nên xu hướng mua hàng để bán dần cũng giảm. Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh trong thời gian qua, cũng là yếu tố chính tác động lên kim ngạch của ngành hàng này.
Đồ gỗ nội thất luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam, trong tháng 9/2022, trị giá xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ giảm đến 17% so với tháng trước, tuy nhiên, cộng dồn 9 tháng vẫn tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những năm gần đây, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất của Việt Nam, nhưng tình hình lạm phát nước này tăng cao nên nhu cầu nhập khẩu đang giảm. Tháng 9, xuất khẩu sang thị trường này giảm đến 16,24% so với tháng 8, dù cộng dồn 9 tháng vẫn tăng 1,92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song có nhiều dấu chỉ khác cho thấy ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nên xu hướng quý cuối năm có thể sẽ tăng trưởng âm và kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ có thể đạt từ 15,5 - 16 tỷ USD.
“Muốn biết nhu cầu đồ gỗ nội thất ở thị trường Hoa Kỳ tăng hay giảm hãy nhìn vào chỉ số bán nhà của nước này. Nếu thị trường nhà đất ở Mỹ tăng thì nhu cầu đồ gỗ trang trí nội thất sẽ tăng, nhưng hiện nay thị trường nhà ở Mỹ đang giảm nên không có cơ sở nào để xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào thị trường này tăng trưởng.
Bên cạnh đó, lạm phát ở Mỹ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay. So sánh với những kỳ khủng hoảng vào năm 1998-1999 hay 2008-2009 thì khủng hoảng lần này ngành đồ gỗ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long nói.
Mới đây, tờ Washington Post đăng báo cáo mới nhất của cơ quan Environmental Investigation Agency (EIA) có trụ sở tại Anh, cho rằng EIA phát hiện gỗ bạch dương của Nga được ngụy trang thành các sản phẩm từ châu Á nhập khẩu vào Mỹ, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Thanh cho biết, gỗ bạch dương có hoa văn đẹp nên được dùng dán mặt ngoài ván ép sản xuất đồ gỗ nội thất, ngoài công dụng phủ mặt ngoài ván ép thì doanh nghiệp Việt Nam cũng dùng gỗ này làm bàn, ghế, tủ... và trên thế giới có nhiều nước xuất khẩu gỗ bạch dương như châu Âu, Bắc Mỹ và Canada chứ không phải chỉ riêng Nga mới có.
Đối với việc EIA nghi ngờ nguồn gốc gỗ bạch dương có trên các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ông Thanh cho rằng lâu nay EIA có định kiến với Việt Nam nên có nhiều thông tin tiêu cực.
“Tôi không rõ mục đích EIA đưa vấn đề này lên để làm gì, nhưng có lẽ do các sản phẩm đồ gỗ nội thất như tủ, bếp của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ bị đánh thuế cao và không xuất được, cho nên họ nghi ngờ Trung Quốc tuồn hàng sang Việt Nam để xuất vào thị trường Mỹ nhằm né thuế.
Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng nghi ngờ doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các chi tiết đồ gỗ tủ bếp và phòng tắm của Trung Quốc lắp ráp, và hoàn thiện rồi xuất khẩu vào Mỹ. Hiện DOC đang tiến hành điều tra các doanh nghiệp nào bán các sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ”, ông Thanh cho hay.
Ngày 12/9/22, DOC thông báo gia hạn lần thứ tư thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) thuế chống trợ cấp (CTC) đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, kết luận cuối cùng dự kiến được ban hành vào ngày 31/01/2023. Trước đó, ngày 25/7/2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc, cho rằng sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế CBPG và CTC như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. |