Fitch: Người Việt ngày một giàu có và sẵn sàng mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe
Fitch mới đây đã công bố báo cáo mới nhất về ngành bán lẻ Việt Nam trong đó Fitch đưa ra một số nhận định và dự báo về tiềm năng phát triển của quy mô dân số đô thị cũng như thu nhập người dân, hai yếu tố rất quan trọng tạo điều kiện phát triển tốt cho tiêu dùng.
Đối tượng chính của các nhà bán lẻ Việt Nam chính là nhóm khách hàng ở khu vực đô thị thuộc nhóm thu nhập trung bình cho đến cao (thu nhập khả dụng bình quân đầu người trung bình năm ước tính khoảng hơn 10.000USD).
Đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam suốt nhiều năm qua, các khu chợ và điểm kinh doanh truyền thống vẫn là điểm đến quen thuộc bởi giá rẻ hơn so với siêu thị, đồng thời sản phẩm của họ cũng được cho là tươi mới hơn.
Thời gian trôi qua, kinh tế phát triển, ngành bán lẻ tăng trưởng tốt, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Khi mà thu nhập thực của người dân tăng, nhu cầu đối với hàng hóa tại siêu thị cũng tăng lên, đồng thời người tiêu dùng tìm đến nhiều kênh phân phối hàng hóa đa dạng hơn.
Trên thị trường luôn có những người tiêu dùng bận rộn, những người sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn để có thể tiếp cận với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau cũng như hàng hóa được vận chuyển đến tận nhà.
Đây là một thị trường tiêu dùng khá mới tại Việt Nam đã phát triển qua vài năm qua, kết quả trực tiếp từ việc tăng trưởng kinh tế lên mạnh dẫn đến tăng trưởng mức lương cao và vì vậy tạo ra một tầng lớp trung lưu (các hộ gia đình với thu nhập trung bình hàng năm trên 10.000USD).
Năm 2022, ước tính khoảng 3,4 triệu hộ gia đình tức tương đương khoảng 10,7% các hộ gia đình Việt Nam có thu nhập khả dụng trung bình hàng năm ước tính khoảng trên 10.000USD.
Con số này dự kiến sẽ tăng trung bình 9,2%/năm và đến năm 2026, khi đó ước tính sẽ có 6,8 triệu hộ gia đình tương đương 19,9% có thu nhập khả dụng trên 10.000USD/năm.
Phần đông trong số họ sẽ sống ở các trung tâm kinh tế lớn ví như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Các hộ gia đình giàu có chủ yếu sống ở các khu vực đô thị, chính vì vậy các doanh nghiệp bán lẻ cũng dễ dàng tiếp cận hơn.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động tại Đông Nam Á cao và được kỳ vọng sẽ vẫn tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm tới. Bởi điện thoại rẻ và có tính linh động cao hơn rất nhiều so với các thiết bị điện tử khác ví như laptop hay máy tính cá nhân, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động tại các nước mới nổi thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Phần lớn các nền tảng thương mại điện tử được cấu trúc để tương thích tốt nhất khi được tiếp cận thông qua điện thoại di động. Như vậy, việc tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao sẽ giúp cho tỷ lệ cao trong dân số có khả năng tiếp cận với người kinh doanh thực phẩm trực tuyến.
Người tiêu dùng Việt Nam sử dụng điện thoại di động rất nhiều, ước tính có đến 125,3 triệu thuê bao di động tính trung bình với 100 người dân. Trong nhóm những người sử dụng điện thoại di động này, 56% và 8,2% hiện đã có thuê bao 4G hoặc 5G.
Ngoài ra, ước tính khoảng 6,8% đang đăng ký 3G dù rằng con số này có thể chưa thực sự chuẩn xác khi mà số người dùng 4G hoặc 5G ngày một tăng còn công nghệ 3G đang bị loại bỏ nhiều hơn. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam rất cao, nó có thể coi như chỉ báo cho số lượng khách hàng trực tuyến trong tương lai.
Trong một báo cáo về bán lẻ trước đây, Fitch từng nói đến sự tăng trưởng của ngành kinh doanh hải sản tại Việt Nam bởi người tiêu dùng ngày một quan tâm đến sức khỏe, ngoài ra, tăng trưởng thu nhập thực cao cũng sẽ giúp người dân có thêm điều kiện chi tiêu vào hải sản bởi giá trị dinh dưỡng cũng như các lợi ích sức khỏe.
Trong xu thế này, thị trường đang chứng kiến xu thế tiêu dùng các sản phẩm tốt cho sức khỏe ngày một phổ biến hơn. Ngành hàng kinh doanh các sản phẩm hoa quả tươi cũng như hoa quả bảo quản sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong trung hạn, mức chi tiêu vào các loại sản phẩm này ước tính tăng 11,2%/năm cho đến năm 2026.
Một ngành hàng khác được dự báo tăng trưởng cao chính là các sản phẩm sữa tại Việt Nam. Trong trung hạn, doanh số bán các sản phẩm sữa được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2, ước tính mức độ tăng trưởng 10,9% từ nay đến năm 2026.
Thông thường, tỷ lệ không hấp thụ lactose cao đồng nghĩa với trong khẩu phần ăn truyền thống của Việt Nam, không có nhiều sự hiện diện của các sản phẩm sữa. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm này ngày một phổ biến hơn bởi người tiêu dùng đánh giá cao các lợi ích sức khỏe của nó.
Ngành kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo nhiều khả năng sẽ chững lại, mức tăng trưởng ước tính 7,3%/năm trong trung hạn và như vậy ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong tổng quan ngành thực phẩm nói chung bởi người tiêu dùng ngày một quan tâm đến sức khỏe.
Dự báo về mức tăng trưởng của các chủng loại hàng hóa như trên củng cố cho quan điểm của Fitch về việc người tiêu dùng Việt Nam đang ngày một quan tâm đến thực phẩm tốt cho sức khỏe.