Giá dầu bật tăng mạnh nhờ tín hiệu Fed hãm tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,02USD/thùng tương đương 1,1% lên 94,16USD/thùng trên thị trường London. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tăng 1,18USD/thùng tương đương 1,4% lên 87,05USD/thùng.
Giá cả sản xuất tại Mỹ tháng 10/2022 tăng thấp hơn so với kỳ vọng, như vậy có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang bắt đầu hạ nhiệt, như vậy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thể bắt đầu hạ nhiệt tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ.
Các chỉ số chứng khoán trên phố Wall tăng sau khi dữ liệu trên được công bố, chỉ số đồng USD hạ, chính vì vậy các loại tài sản được định giá bằng đồng USD trở nên đỡ đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
“Số liệu về lạm phát khá tích cực. Thị trường nhờ vậy tăng điểm và dường như đà tăng điểm được duy trì. Chúng ta vẫn đang trong trạng thái đảo chiều đó”, chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC tại New York – ông John Kilduff phân tích.
Những nỗi lo liên quan đến nguồn cung đồng thời hỗ trợ quan trọng cho giá dầu.
Quy định cấm của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng với dầu Nga dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12/2022, điều này đồng nghĩa với việc ước tính sẽ cần phải có nguồn cung thay thế cho khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào ngày thứ Ba.
“Khi bạn nhìn vào những gì chúng ta chứng kiến từ IEA về nguồn cung dầu toàn cầu, chắc chắn tín hiệu khá lạc quan”, chuyên gia phân tích tại quỹ Price Futures Group – ông Phil Flynn phân tích.
Tuy nhiên, IEA dự báo rằng triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ có thể khiến tiêu thụ dầu toàn cầu giảm khoảng 250 nghìn thùng/ngày trong quý 4/2022, còn tăng trưởng nhu cầu chững lại xuống còn 1,6 triệu thùng dầu/ngày từ mức 2,1 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô được dự báo đã giảm ước tính khoảng 300.000 thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 11/11/2022, theo kết quả khảo sát của Reuters dựa trên số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Tại Trung Quốc, nhà đầu tư chào đón thông báo từ Trung Quốc vào tuần trước rằng Trung Quốc sẽ giảm đi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ COVID-19 nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế và nhu cầu năng lượng, tuy nhiên việc các biện pháp kiểm soát đi lại vẫn được áp dụng gắt gao cũng như số lượng ca nhiễm tăng cao chóng mặt hiện vẫn là những yếu tố rủi ro lớn.
Số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt trong ngày thứ Năm tại nhiều địa điểm của Trung Quốc ví như Bắc Kinh, tăng trưởng sản lượng các nhà máy sụt giảm mạnh.
Ngân hàng đầu tư JP Morgan đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quý hiện tại và cả năm nay của Trung Quốc. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu lần thứ 5 tính từ tháng 4/2022 bởi viện dẫn đến các thách thức kinh tế ngày một lớn dần trong đó có bao gồm yếu tố lạm phát cao và lãi suất leo thang.