Giá dầu tăng bởi kỳ vọng vào yếu tố Trung Quốc
Tiêu thụ loại nhiên liệu hóa lỏng này dự báo sẽ đạt 102,2 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2024, chủ yếu bởi nhu cầu tại một số nước tiêu thụ lớn trên thế giới như Ấn Độ hay Trung Quốc tăng cao, nó phản ánh cho những xu thế thay đổi trong hoạt động kinh tế, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 45 cent tương đương 0,6% lên 80,10USD/thùng trên thị trường London. Còn trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đóng cửa phiên tăng 49 cent tương đương 0,6% lên 75,12USD/thùng.
Thị trường năng lượng toàn cầu phiên ngày thứ Ba đồng thời chờ đợi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo rõ ràng về kế hoạch nâng lãi suất sau khi chủ tịch Fed tránh bình luận về chính sách tiền tệ và nền kinh tế trong cuộc họp gần nhất. Giới đầu tư hiện đang trông chờ vào diễn biến chỉ số CPI của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm để biết về triển vọng ngắn hạn.
Số liệu công bố vào ngày thứ Năm có thể cho thấy rõ ràng đường hướng của thị trường tài chính và dầu trong nhiều tuần sắp tới, chuyên gia môi giới thuộc công ty môi giới năng lượng PVM – ông Tamas Varga nhận định.
Ông Varga công bố đồng USD sẽ có thể giảm nếu lạm phát thấp hơn so với kỳ vọng hoặc thấp hơn ngưỡng của tháng 11/2022.
Hiện tại, đồng USD đang giao dịch quanh ngưỡng thấp nhất trong 7 tháng. Đồng USD yếu có thể làm tăng nhu cầu dầu khi mà giá cả các loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Thống đốc Fed Michelle Bowman nói rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ phải nâng lãi suất lên mức cao hơn nữa nhằm kiềm chế lạm phát và nhiều khả năng sẽ khiến cho thị trường việc làm chịu ảnh hưởng.
Trước đó trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, cả giá dầu WTI và giá dầu Brent đều tăng 1% sau khi Trung Quốc, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn của thế giới, trong cuối tuần qua đã mở cửa biên giới lần đầu tiên trong 3 năm.
Trung Quốc đồng thời công bố hạn mức nhập khẩu dầu lần thứ 2 của nước này, như vậy tổng kim ngạch nhập khẩu dầu của năm nay tăng khoảng 20% so với năm ngoái.
Phó chủ tịch bộ phận giao dịch tại BOK Financial, ông Dennis Kissler, nhận định: “Giá dầu thô hiện đang lập đáy và giới chức Trung Quốc đã gỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế với thương mại và đi lại trên toàn cầu”.
Tuy nhiên các chuyên gia phân tích nói rằng nhu cầu tăng lên từ Trung Quốc có thể cũng chỉ hỗ trợ rất hạn chế cho giá dầu nước này trong bối cảnh áp lực suy giảm từ kinh tế toàn cầu tăng lên.
“Xét đến việc rằng sự phục hồi của nhu cầu dầu vẫn đang ở ngưỡng kỳ vọng, giá dầu nhiều khả năng sẽ vẫn giao dịch ở biên độ thấp”, chuyên gia phân tích tại Haitong Futures nhận định.
Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu Brent có thể giảm từ 15 đến 25USD/thùng so với ngưỡng 98USD/thùng theo tính toán trước đó với giá dầu Brent nếu tình trạng suy giảm của ngành sản xuất toàn cầu tương tự như với thời kỳ năm 2008-2009.
Goldman Sachs dự báo việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nâng giá mà không ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu sẽ làm giảm bớt rủi ro suy giảm với dự báo giá dầu năm 2023.
Theo số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố vào ngày thứ Ba, dự trữ dầu thô tăng ước tính khoảng 14,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 6/1/2023. Dự trữ này được kỳ vọng giảm 2,24 triệu thùng.