Giải bài toán đào tạo nghề, tăng thu nhập cho người lao động
Thực trạng người lao động tại Việt Nam
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dự báo trong quý I và quý II/2023, tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số địa bàn có thể gia tăng từ 350.000-400.000 lao động.
Thị trường kinh tế gặp nhiều khó khăn, đã có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ... Có gần 637.500 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường.
Thị trường kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động |
Trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu hẹp đơn hàng khiến khoảng 53.000 lao động mất việc thì các doanh nghiệp khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động là trên 300.000 người.
Nhận định về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ LĐTBXH dự báo, tình hình kinh tế - xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó, tình hình thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động theo hướng tích cực, tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong năm 2023, cụ thể là quý I, quý II/2023, Bộ LĐTBXH dự báo một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do tác động của thị trường thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người (cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua).
Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải có bài toán để giữ chân, thu hút người lao động. Đặc biệt, phải có bài toán để đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ có chất lượng cao, những người có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Đào tạo người lao động, nâng cao tay nghề
Theo Bộ LĐTBXH, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhấn mạnh: "Ngoài việc ổn định tiền lương và phúc lợi, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ có chất lượng chuyên môn và kỹ năng cao để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đó cũng là cách doanh nghiệp giữ chân người lao động".
Doanh nghiệp cần có giải pháp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động |
Thực trạng người lao động lớn tuổi ở doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động khó kiếm việc ở các tỉnh, thành phía Nam đã phác họa toàn cảnh bức tranh việc làm. Năng suất lao động thấp, độ tuổi không còn trẻ đã thu hẹp cơ hội tìm việc của đối tượng này. Sớm nhận ra vấn đề ấy nên nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, kèm theo chính sách đào tạo nghề cho người lao động.
Trước những bối cảnh đó, theo Bộ LĐTBXH, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.