Theo cuộc khảo sát đối với 22.000 công ty ở Đức của DIHK, tỷ lệ các công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 53% doanh nghiệp báo cáo thiếu lao động.
Ông Achim Dercks, Phó Giám đốc điều hành của DIHK, ước tính Đức đang thiếu hụt khoảng 2 triệu lao động. Ông nói thêm sự thiếu hụt công nhân lành nghề không chỉ là gánh nặng đối với các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhiệm vụ quan trọng cho tương lai như chuyển đổi năng lượng, số hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo ông Dercks, những lao động có kỹ năng ngày càng khan hiếm, kể cả trong các lĩnh vực sản xuất vốn là thế mạnh của cường quốc xuất khẩu Đức.
Cuộc khảo sát cho thấy 67% các nhà sản xuất thiết bị điện không thể lấp đầy các vị trí tuyển dụng. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, 65% công ty báo cáo tình trạng thiếu lao động.
Lĩnh vực bưu chính của Đức cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực. Nhiều người dân Đức đang thể hiện sự bức xúc khi thư từ và bưu kiện họ gửi đi bị thất lạc hoặc đến đích quá muộn.
Trong năm 2022, số đơn khiếu nại các công ty bưu chính Đức đạt mức cao kỷ lục trong đó, Công ty Bưu chính Đức Deutsche Post nhận tới 91% đơn thư khiếu nại. Theo Deutsche Post, tình trạng nhân viên ốm hàng loạt cùng những khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên mới là nguyên nhân khiến công ty gặp khó khăn về nhân lực và rơi vào tình trạng như vậy.
Theo khảo sát của Viện Kinh tế Đức (IW), khoảng 40% số doanh nghiệp nước này dự kiến hoạt động sản xuất sẽ giảm trong năm 2023, do chi phí năng lượng cao, các vấn đề của chuỗi cung ứng và xung đột tại Ukraine (U-crai-na) tiếp diễn.
IW nhận định nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông 2022-2023 không còn như mùa Hè 2022, và giá năng lượng cũng giảm sau đó. Tuy nhiên, giá vẫn ở mức cao và những gián đoạn sản xuất vẫn chưa được loại trừ.