Động lực để “phá băng”
Ngày 12/1/2025, tại khu chung cư cao cấp The Mano Crown, đường Tố Hữu, phường Xuân Phú, quận Thuận Hóa, TP. Huế, Công ty TNHH Bold Land đã khai trương Văn phòng chi nhánh Huế. Sự kiện này không có gì đặc biệt, nếu không diễn ra ngay sau khi Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày 1/1/2025. Đây cũng tín hiệu mới sau một thời gian dài thị trường BĐS “đóng băng”, các cánh cửa giao dịch BĐS chỉ thấy “khép” chứ không “mở”, Huế cũng không ngoại lệ.
Cầu vượt biển Thuận An, công trình trọng điểm ờ Huế có tính chiến lược thu hút đầu tư, tạo việc làm và mở ra sự phát triển các vùng dân cư ven biển. Ảnh: Đ.T |
Trong hơn 2 năm qua, hàng loạt lao động trong ngành BĐS ở Huế “tứ tán”, chuyển nghề. Có người chuyển sang lĩnh vực bảo hiểm, có người chuyển sang tư vấn tài chính, có người, chạy grab, lại có nhóm “hùn vốn” mở tiệm cà phê, bán bánh mì... “Bất động sản khó khăn thì ai cũng biết rồi. Đội ngũ những người môi giới như mình hơn 2 năm qua đành ẩn mình, làm đủ thứ việc kiếm sống. Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương là dấu hiệu tươi mới nhất và có thể tạo ra cơ hội cho anh chị em quay trở lại với nghề.”, anh Khánh, một môi giới BĐS ở Huế, chia sẻ.
Công nhân miệt mài thi công công trình nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa, TP.Huế. Ảnh: Đình Toàn |
Những tháng gần đây dạo quanh các khu vực ven đô cho tới lõi trung tâm đô thị hai quận Thuận Hóa và Phú Xuân, dẫu không “xô bồ” các giao dịch BĐS như thời kỳ “sốt đất” 2-3 năm trước, nhưng câu chuyện đất đai đã bắt đầu kết nối trở lại trên các nhóm hội kinh doanh bất động sản. Trên không gian mạng, lời rao bán đất, môi giới nhà đất đã tái xuất sau thời gian dài vắng bóng. Cho dẫu còn dè dặt, nhưng những diễn biến này cho thấy một sự chuyển dịch trở lại của thị trường BĐS Huế mà động lực chính là dựa trên bối cảnh và vị thế mới của thành phố Huế.
Một lao động nữ tranh thủ dùng cơm trưa tại một dự án bất động sản ở phường Xuân Phú, quận Thuận Hóa. Ảnh: Đình Toàn |
Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, lượng giao dịch bất động sản trong quý III năm 2024 đạt gần 280 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý trước. Nhu cầu tìm kiếm nhà riêng và đất nền tại Huế cũng tăng 65% trong cùng thời gian này. Các dự án lớn như Trung tâm thương mại Aeon Mall, BGI Topaz Downtown đã tạo ra sức hút lớn cho thị trường bất động sản Huế.
Thị trường BĐS gặp khó khăn nên một số dự án bất động sản ở khu đô thị mới An Vân Dương, quận Thuận Hóa khó thanh khoản 2 năm qua. Ảnh: Đình Toàn |
Với vị thế mới, chính quyền TP. Huế đã và đang đẩy mạnh quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng, bao gồm việc mở rộng đô thị, nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông. Việc sáp nhập 13 xã, phường vào hai quận Thuận Hóa, Phú Xuân cũng đã mở rộng diện tích đô thị lên gấp 5 lần, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản. Đặc biệt, hạ tầng giao thông được nâng cấp, đầu tư, trong đó có hai công trình trọng điểm là cầu Nguyễn Hoàng bắt qua sông Hương; cầu vượt biển Thuận An kết nối giao thông về phía biển cũng là động lực làm tăng giá trị bất động sản và mở ra hướng đầu tư mới về các vùng ven đô.
Đường đi bọ ven sông Như Ý ở quận Thuận Hóa sắp hoàn thành, mở ra chiều hướng phát triển các dịch vụ thương mại và bất động sản. Ảnh: Đình Toàn |
Trong những tháng gần đây, trước và ngay sau thời điểm Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương, BĐS ven đô như được thổi một luồng gió mới. Gần với trung tâm hai quận mới thành lập, các xã, phường như Phú Mỹ (huyện Phú Vang), Phú Dương (quận Thuận Hóa), Hương An (quận Phú Xuân)... Hay dọc bờ biển Huế từ Thuận An (quận Thuận Hóa) về Vinh Thanh, Vinh An, ngược lên Phú Lương, Phú Hồ, Phú Đa (huyện Phú Vang) giá BĐS bắt đầu tăng nhẹ.
“Tôi nghĩ dự án nào cũng phải lấy người dân tại chỗ làm gốc để tạo công ăn việc làm, khích lệ tinh thần chung tay xây dựng quê hương, tránh làm “nhàu nát” bởi tính cấp thời, thì sẽ tạo ra được giá trị bền vững”, anh Nguyễn Chí, một chuyên gia theo dõi BĐS tại Huế, chia sẻ.
Kích thích sự dịch chuyển lao động, tạo việc làm
Mặc dù có nhiều triển vọng, nhưng thị trường bất động sản Huế cũng đang đối mặt với nguy cơ “sốt đất” và giá ảo. Theo tìm của phóng viên, dù Huế bước vào một thời kỳ phát triển mới, tầm vóc và vị thế mới nhưng do thời kỳ khó khăn kéo dài, hệ lụy của tình trạng đóng băng BĐS vẫn còn nặng nề, nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS tại Huế chưa có động thái “vùng vẫy” trở lại. Thậm chí không ít nhà đầu tư thừa nhận họ “ôm hàng” mà đến nay vẫn chưa thể bán cắt lỗ và chưa “về bờ”. Anh T., giám đốc một công ty BĐS tại Huế (không muốn nêu tên), nói rằng thị trường BĐS Huế có khởi sắc cũng phải có thêm một thời gian nữa, kể cả sự xuất hiện của nhà đầu tư từ TP. HCM hay Hà Nội. Tuy nhiên vẫn cần cẩn trọng với giá ảo, làm giá, thổi giá như đã từng xảy ra vài năm trước.
Dự án cải tạo đầu tư xây dựng quang trường văn hóa ở quận Thuận Hóa đang được đẩy |
Theo luật sư Nguyễn Phước Bửu Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây TP. Huế thì Huế lên trung ương là một bước ngoặt lớn về quy mô phát triển. Dù ở vị thế mới, nhưng BĐS thực tế chưa có sự sôi động, rộn ràng nhộn nhịp như nhiều năm về trước. BĐS đóng băng và sự phục hồi thị trường này đang còn rất chậm. Tất cả các phân khúc tính thanh khoản khá thấp, do vậy các nhà đầu tư vẫn rất dè dặt. Đây chính là lý do mà nếu có việc tăng giá, thổi giá lúc này là giá ảo và buộc người kinh doanh phải cẩn thận, kẻo lại “sa ngã”. “Theo tôi, có chăng đến hết 2025 mới có sự ấm lại của thị trường BĐS, do hiện vẫn còn nhiều khó khăn lắm.”, ông Hùng nói.
Sau thời gian trầm lắng, giới kinh doanh BĐS TP. Huế kỳ vọng thị trường sớm khởi sắc trở lại từ động lực Huế lên TP trực thuộc Trung ương. Ảnh: Đình Toàn |
Còn Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản TP. Huế, ông Lê Châu Quốc Việt, thì cho rằng, việc tăng giá BĐSvùng ven là điều tất yếu, bởi ở góc độ đầu tư, đây là cơ hội sinh lời. “Tuy nhiên chúng ta cần đứng trên nhiều góc độ để phân tích như việc thay đổi hạ tầng khi Huế thành phố Trung ương (đầu tư công tăng). Với vị thế mới củ Huế, sự dịch chuyển lao động và tích giữ tài sản bằng bất động sản là nhu cầu thực tế trong giai đoạn kinh kế khó khăn hiện nay. Và người mua phải nhìn nhận tình hình thực tế về sự dịch chuyển đầu tư, điều kiện phát triển hạ tầng và đặc tính địa phương ở mỗi vùng. Đầu tư bất động sản có khi là nhu cầu tức thời tại một thời điểm nhất định. Việc đầu tư ở đâu, như thế nào để đảm bảo khả năng sinh lời cần nhiều yếu tố và khả năng nắm bắt cơ hội, góc nhìn của mỗi người.”, ông Việt nêu quan điểm.
Một phần diện mạo thành phố Huế hiện nay