[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội năm 2022 qua những con số
Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý 4 và năm 2022, trong đó tiếp tục cập nhật những thông tin toàn cảnh về tình hình kinh tế xã hội trong giai đoạn.
Trước tiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 ước đạt mức 8,02%, cao hơn tới 1,5-2 điểm % so với mục tiêu đề ra. Có thể nói, vượt qua khó khăn, nền kinh tế đã phục hồi ngoạn mục. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp 2,09 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nhưng ấn tượng phục hồi lớn nhất phải thuộc về khu vực dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong lĩnh vực này, rất nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng rất cao. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng tới 40,61%...
Một chỉ số vĩ mô rất quan trọng khác là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Năm 2022, chỉ số này tăng tới 19,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, thì vẫn tăng 15,6%, trong khi cùng kỳ năm 2021 giảm 6,7%.
Giải ngân đầu tư công tiếp tục bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm, lũy kế tới hết tháng 12, vốn đầu tư công ước đạt 511,6 nghìn tỷ đồng, bằng 85,2% kế hoạch năm và tăng 18,8% so với năm trước. Trong đó, vốn trung ương quản lý ước đạt 91,7 nghìn tỷ đồng, bằng 78,9% kế hoạch năm và tăng 23,4% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 419,9 nghìn tỷ đồng, bằng 86,7% và tăng 17,9%.
Lũy kế tới hết tháng 12, Việt Nam ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD, tăng thêm 600 triệu USD so với tháng liền trước, đồng thời tăng mạnh so với số xuất siêu 3,32 tỷ USD của năm 2021.
Những chỉ số nói trên đã cho thấy sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế, sau 2 năm tăng trưởng thấp vì COVID-19. Nhưng thực tế, qua các số liệu thống kê, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều đã đề cập rất nhiều về những thách thức, khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu (theo tháng) đã sụt giảm trong những tháng gần đây. Tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 12/2022, mức giảm lên tới 14%.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp trong nước cũng sụt giảm. Quý 4/2022, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước đó và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, dù các tổ chức quốc tế nhận định lạm phát có thể đã đạt đỉnh trong năm 2022 và hạ nhiệt trong năm 2023 nhưng áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng.
Những thông tin đáng chú ý khác về hoạt động sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn đầu tư và hoạt động bán lẻ - dịch vụ... trong quý 4 và cả năm 2022 được GSO thống kê trực quan, cụ thể qua Infographic dưới đây:
[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội năm 2022 qua những con số |