Mới đây, khách hàng N.T.L. (sinh năm 1964, Hà Nội) đã làm đơn khiếu nại gửi Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn- SCB và Công ty TNHH Manulife Việt Nam về vấn đề bất cập khi “bỗng dưng” tham gia gói bảo hiểm Manulife trong quá trình đáo hạn tiết kiệm tại SCB mà không hề hay biết.
Cụ thể, vào tháng 7/2020, khách hàng này đến ngân hàng SCB chi nhánh Lý Nam Đế làm thủ tục đáo hạn sổ tiết kiệm. Tại quầy, khách được nhân viên của SCB đón tiếp, tư vấn tham gia hợp đồng với tên “Tâm an đầu tư” như một hình thức gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn ngân hàng (khoảng 12-17%/năm). Thời gian hợp đồng là 6 năm.
Đến năm hợp đồng thứ 3, khách hàng giật mình phát hiện hợp đồng của mình tại SCB không phải hợp đồng đầu tư sinh lời như đã đáo hạn. Thực chất, đây là bảo hiểm nhân thọ với số tiền ở thời điểm năm 2023 là 200.140.000 đồng, hàng năm bị trừ chi phí rủi ro. Sau nhiều lần ý kiến với 2 bên liên quan, khách hàng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Bên cạnh đó, khách hàng cho biết thêm, nhiều thông tin tại hợp đồng bị đưa sai lệch như: Khách hàng thu nhập 10 triệu đồng nhưng hồ sơ ghi 30 triệu đồng, tất cả các chữ viết trong hợp đồng không phải chữ viết của khách hàng.
Đặc biệt, khách hàng này khá bức xúc với cách làm việc của phía công ty bảo hiểm Manulife khi nhiều lần giải thích vòng vo, không rõ ràng. Theo vị khách, khi quá thời gian hẹn để tiếp tục giải quyết khiếu nại của khách, Manulife “thẳng băng” tuyên bố “chưa có quyết định chính thức từ phía công ty”.
Trước đó, nhiều khách hàng đã có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng về việc Công ty TNHH Manulife Việt Nam, bán bảo hiểm thông qua kênh đối tác ngân hàng SCB có hành vi lừa dối khách hàng. Các nội dung tố cáo liên quan đến: Đại lý bảo hiểm và nhân viên SCB tiếp thị, giải thích sai làm mọi người nhầm lẫn và ký kết hợp đồng không đúng với mục đích của mình và cách tổ chức bán bảo hiểm và thái độ giải quyết khiếu nại của Manulife là trốn tránh, phủi tay, vô trách nhiệm.
Mới đây, Dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm của Bộ Tài chính đã đưa ra một số điểm mới. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn cho khách hàng.
Với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung, cung cấp thông tin và tư vấn (của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.