Kinh tế khởi sắc, thu ngân sách qua ngành thuế tăng 17,2%
Ảnh minh họa |
Ngày 3/8, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị giao ban đánh giá chương trình công tác thuế tháng 7, 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 8.
Theo công bố tại hội nghị, tổng thu ngân sách của ngành thuế trong 7 tháng đầu năm đạt 911.027 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng số thu nội địa đạt 868.008 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán, tăng 15%. Số thu ngân sách Trung ương lũy kế 7 tháng đạt 75,8% dự toán, tăng 14,7%; thu ngân sách địa phương đạt 78,9% dự toán, tăng 19,1%.
Trong thu nội địa, tổng số thu từ thuế phí nội địa ước đạt 665.635 tỷ đồng, bằng 72,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 110,7% so với cùng kỳ năm 2021.
So với dự toán có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 60%), trong đó các khoản thu lớn từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đạt khá như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 66,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,6%; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 75,9%.
Các khoản thu, sắc thuế như: thu lệ phí trước bạ ước đạt 79,6%; thu tiền cho thuê đất ước đạt 87,3%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 97,1%; thu từ xổ số ước đạt 66,2%...
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thu ngân sách có mức tăng trưởng khá là do kinh tế trong nước những tháng đầu năm đã tiếp tục khởi sắc. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt và rõ nét đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước.
Điều này thể hiện rất rõ khi tổng mức bán lẻ 7 tháng năm 2022 tăng 16% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ, và là mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Đặc biệt một số ngành như vận tải hành khách tăng gấp 3,9 lần cùng kỳ năm trước, vận tải hàng hóa tăng 79% so cùng kỳ.
Chính những kết quả trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong 7 tháng đầu năm 2022.
KIẾN NGHỊ XỬ LÝ QUA THANH, KIỂM TRA
HƠN 21,6 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Cũng theo Tổng cục Thuế, bên cạnh các yếu tố khách quan thuận lợi thì để có được kết quả trên là do trong 7 tháng đầu năm ngành thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế.
Theo đó, tính đến ngày 15/7/2022, cơ quan thuế đã thực hiện được 31.088 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp và đã kiểm tra được 339.960 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Qua đó, toàn ngành đã kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra đạt trên 21.665 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.930 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 884 tỷ đồng; giảm lỗ là 14.850 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.739 tỷ đồng, bằng 63,05% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Trong giai đoạn, cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được 190 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 438 tỷ đồng; giảm lỗ 6.372 tỷ đồng; giảm khấu trừ 4 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 956 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong 7 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thu hồi về cho ngân sách gần 20.000 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng; thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 2.369 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, Tổng cục Thuế cũng nhận định việc thu ngân sách được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Do đó để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo yêu cầu cơ quan thuế rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn để tổ chức giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị quản lý thu sát với thực tế phát sinh.