Làm gì để đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tránh vết xe đổ mô hình cánh đồng lớn?
Người trong cuộc đặt câu hỏi: Mảng ô tô cũng được Bộ Tài chính giảm thuế VAT, vậy lúa gạo thì sao? |
Nhưng làm gì để đề án này tránh vết xe đổ của mô hình cánh đồng lớn?
Theo báo cáo của Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), vụ Hè Thu 2022, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gieo sạ khoảng 1,492 triệu ha. Trong đó các giống chất lượng cao chiếm đến 69% diện tích, 15% diện tích lúa thơm, 8% diện tích nếp và khoảng 8% diện tích trồng giống lúa chất lượng trung bình.
Như vậy, diện tích lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đã vượt con số 1 triệu ha.
Trở lại với câu hỏi trên, điểm xuất phát được nhìn lại: Mô hình cánh đồng lớn xác định có doanh nghiệp đầu vào, đầu ra và ở giữa là hợp tác xã (HTX) để hình thành chuỗi liên kết. Tuy nhiên, khi triển khai do chạy theo phong trào nên mô hình có những hạn chế nhất định. Đặc biệt là vấn đề pháp lý trong giao kèo giữa doanh nghiệp và nông dân/HTX, nên mối liên kết này rất lỏng lẻo và mạnh ai nấy làm.
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó cục trưởng Cục trồng trọt, khi triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ngành nông nghiệp sẽ từng bước khắc phục những hạn chế mô hình trước để lại, và quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý cho mối liên kết giữa người trồng lúa và doanh nghiệp tiêu thụ.
Ông Nguyễn Chánh Trung – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long
Tập đoàn Tân Long, đơn vị trực tiếp làm mô hình cánh đồng liên kết rất thành công. Với đề án “Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao” Bộ NN-PTNT đang xây dựng, và với câu hỏi trên, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chánh Trung – Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Long.
Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án “Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao” ở ĐBSCL, và Tân Long cũng đang làm mô hình cánh đồng lớn ở đây. Vậy mô hình cánh đồng lớn của Tân Long có phù hợp đề án trên?
Làm cánh đồng lớn trước tiên doanh nghiệp phải có đầu ra ổn định, để đầu ra ổn định doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu gạo, hệ thống phân phối trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Do vậy, trong quá trình canh tác tất cả vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đều phải được kiểm soát, sử dụng đúng liều lượng cho phép, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, có như vậy sản phẩm mới thật sự an toàn.
Động cơ của Tân Long là làm gạo thương hiệu AAN sạch, an toàn nên ngay từ đầu năm, khi viết đề án cánh đồng lớn của công ty chúng tôi rất may mắn có dịp ngồi lại và bàn bạc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.
Giữa tháng 4/2022, Tân Long tổ chức hội thảo mô hình cánh đồng lớn ở Đồng Tháp, và chúng tôi tin rằng đề án của Tân Long hoàn toàn phù hợp với đề án của Bộ NN-PTNT, vì sau đó không lâu Thứ trưởng Trần Thanh Nam tổ chức hội thảo ở TP.HCM công bố đề án “Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao”.
Doanh nghiệp sẽ làm những gì trong mô hình cánh đồng lớn, thưa ông?
Mô hình cánh đồng lớn có hai bước: Về sản xuất, lực lượng khuyến nông các tỉnh sẽ làm nòng cốt trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và là cầu nối giữa doanh nghiệp - nông dân.
Bước hai, để mô hình đi vào thực chất hơn doanh nghiệp sẽ tham gia góp vốn, và định hướng nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn thị trường doanh nghiệp hướng đến, lúc này mới thật sự là cánh đồng lớn.
Đề án của Bộ NN-PTNT sẽ hình thành nhiều mô hình như Tân Long đang làm, và mỗi doanh nghiệp sẽ có mô hình làm việc và cách thức quan hệ với nông dân. Nếu nói về tính phù hợp thì mô hình cánh đồng lớn của Tân Long hoàn toàn phù hợp với đề án của Bộ NN-PTNT, vì xu thế chung là như vậy.
Song, có một ý tôi muốn nhấn mạnh là: “Chỉ những doanh nghiệp không vì lợi nhuận khi cung cấp vật tư đầu vào canh tác lúa, gồm: Giống, phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật canh tác tiên tiến như Tân Long mới thật sự mong muốn làm mô hình cánh đồng lớn. Còn những doanh nghiệp làm cánh đồng lớn để tìm kiếm lợi nhuận từ việc cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ nông nghiệp thì thật sự họ không làm chuỗi liên kết sản xuất”.
Là doanh nghiệp phải tìm kiếm lợi nhuận nhưng tại sao Tân Long “phi lợi nhuận” ở cánh đồng lớn?
Để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường, đòi hỏi của người tiêu dùng trong và ngoài nước, cần quản lý tốt việc sử dụng giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu… trong quá trình sản xuất lúa của nông dân, doanh nghiệp làm gạo thương hiệu rất cần mô hình cánh đồng lớn.
Và khi doanh nghiệp có quy mô đủ lớn mạnh, chủ động cả kênh phân phối cùng giá bán phù hợp và thương hiệu của họ chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì lượng gạo tiêu thụ tăng cao, bằng việc đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, và để khuyến khích nông dân làm ra những sản phẩm chất lượng cao, họ có thể mua lúa với mức giá không thấp hơn thị trường. Đây là cách doanh nghiệp phân phối lợi nhuận lại cho chuỗi giá trị và nông dân sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu khối lượng lớn phải cạnh tranh từng USD/tấn gạo sẽ khó có cơ sở để tăng giá mua lúa.
Tại sao làm mô hình cánh đồng lớn cần sự tự nguyện của doanh nghiệp và cần giảm thuế VAT?
Làm cánh đồng lớn phải xuất phát từ nhu cầu và sự tự nguyện của doanh nghiệp, nếu có bất kỳ sự gượng ép nào khi thị trường bất ổn thì nông dân hoặc doanh nghiệp “bẻ kèo”, và quay lại với xe đổ trước đây.
Bên cạnh đó cần sự khuyến khích của nhà nước bằng cách giảm thuế 5% VAT cho gạo nội địa, vì theo quy định hiện hành, hàng hoá xuất khẩu đều có thuế suất bằng 0%, nhưng gạo sản xuất tiêu thụ trong nước phải chịu thuế VAT 5%.
Các doanh nghiệp có thương hiệu gạo và có chuỗi liên kết phải khai báo và nộp thuế VAT 5%, chi phí sản xuất trong cánh đồng lớn đã cao hơn so với sản xuất bình thường, cộng thêm 5% VAT sẽ đẩy chi phí tăng thêm tạo tâm lý ngần ngại, làm ảnh hưởng đề án của Bộ NN-PTNT, và mất cơ hội xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao mà chính phủ đang rất khuyến khích.
Trong khi đó, những hộ kinh doanh cá thể bán buôn và bán lẻ gạo thì không phải chịu 5% thuế VAT. Để bình đẳng, Bộ Tài chính đã thu thuế thì nên thu luôn các đối tượng này.
Hiện cả nước sản xuất trên, dưới 43,5 triệu tấn lúa/năm, tương đương 21 - 22 triệu tấn gạo. Trong đó, có khoảng 3,5 triệu tấn dành cho tiêu dùng – đối tượng chịu thuế VAT 5%, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng gạo, ngân sách thu được không bao nhiêu nhưng lại gây khó và không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn.
Để kích cầu tiêu dùng sau đại dịch, Chính phủ ban hành Nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế VAT 2%, từ 10% xuống 8%, đang được áp dụng với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Mảng ô tô cũng được Bộ Tài chính giảm thuế VAT, vậy lúa gạo thì sao?
Nhằm đảm bảo công bằng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đề án 1 triệu tấn gạo chất lượng cao đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức thuế này về 0%. Thậm chí ưu đãi cho sản phẩm các doanh nghiệp có làm liên kết chuỗi, để kích cầu sản phẩm gạo thương hiệu.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.