Liệt kê các khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản và chuyên gia đề xuất gì?
Thủ tướng chỉ đạo rà soát các dự án bất động sản để gỡ khó |
1. Khó khăn về pháp lý và thủ tục hành chính
"Thị trường bất động sản đối diện 4 thách thức tới từ chính sách vĩ mô; chính sách pháp lý; thị trường vốn và các khó khăn của nội tại thị trường, tuy nhiên vấn đề pháp lý vẫn là khó khăn lớn nhất ", đó là chia sẻ ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam.
Cùng đóng góp ý kiến cho Hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chủ đầu tư cũng kêu khó đủ đường, trong đó các vướng mắc pháp lý là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp bất động sản này điêu đứng trong thời gian qua.
Ông Phạm Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) cho biết, doanh nghiệp này vướng vào tình trạng chung là trì trệ về thủ tục. Có thủ tục của dự án mà một năm làm không xong, dù Công ty có mối quan hệ rất tốt với các địa phương.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII) cũng thừa nhận, đầu tư bất động sản, một lĩnh vực hoạt động của CII hiện có khó khăn lớn nhất là pháp lý với dự án bất động sản. Dẫn chứng, CII có 2 dự án từ 2009 đến 2023 đến giờ vẫn chưa đủ điều kiện pháp lý để triển khai.
Còn ông Angus Liew - Chủ tịch Công ty Gamuda Land Việt Nam - thì đề xuất nên nhanh chóng số hóa thủ tục hành chính, chuyển sang trực tuyến một cách toàn diện, như vậy sẽ giúp rút ngắn quy trình đi khá nhiều. tiếp theo là phi chính quy hóa một vài khâu trong việc thực thi thủ tục.
Chủ tịch Công ty Gamuda Land Việt Nam kiến nghị cần củng cố và hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc pháp lý hiện tại, loại bỏ các quy định lạc hậu và dỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành chính để tạo thêm dư địa cho doanh nghiệp phát triển.
2. Khó khăn về quỹ đất và dòng vốn
Là đơn vị tập trung vào các dự án nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân nêu vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, nên gây ra khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Ngoài ra, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Khó khăn "bủa vây" thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ |
Một khó khăn nữa với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội là dòng vốn hỗ trợ. Từ năm 2002 đến 2022, Địa ốc Hoàng Quân tập trung vào việc phát triển mảng nhà ở xã hội với 10 dự án được hoàn thành, quy mô khoảng 10.000 căn. Tuy nhiên, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường đi xuống, doanh nghiệp này đã gặp khá nhiều khó khăn. Ông Trương Anh Tuấn cũng cho rằng, thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội hiện nay cũng còn nhiều khó khăn. Thủ tục hành chính hiện nay phải 5 - 10 năm mới hoàn thành dự án. Vì vậy, cần có sự đột phá về thủ tục hành chính ở các địa phương lớn như TP.HCM.
Vướng cái gì thì quyết liệt tập trung xử lý dứt điểm cái đó
Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, thị trường đang vận động và gặp ách tắc. Vấn đề là tại sao thị trường dừng lại? Khung pháp lý là vấn đề mấu chốt, nhưng khung pháp lý này đã đưa vào áp dụng từ năm 2014 tới nay, tại sao giờ mới dừng?
Ông Hiếu chỉ ra, cần tập trung vào 2 vấn đề. Một là phải giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. Nếu ưu tiên giải quyết sẽ có tác động lan toả. Hai là cần đơn giản hoá các chính sách trùng lặp, chồng chéo để tiết kiệm thời gian nếu các dự án đang chậm lại vì thủ tục chưa phù hợp.
"Sắp tới sửa 3 Luật, nhưng chắc chắn cần thêm thời gian. Vì vậy, có thể bổ sung thêm các quy định để gia tăng cơ hội cho thị trường. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc vướng Thông tư thì sửa Thông tư, một Luật sửa nhiều Luật, một Nghị định sửa nhiều Nghị định", Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Đáng chú ý, vẫn có những doanh nghiệp lạc quan, tin tưởng vào sự hồi phục của thị trường. Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất với thị trường bất động sản sắp qua. Phân tích điều này, ông Tăng chỉ ra các yếu tố tích cực như: Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư công; Chính phủ đã nhiều lần gửi thông điệp chính thức nhằm tháo gỡ Thị trường bất động sản; dòng vốn tín dụng đã có dấu hiệu hạ nhiệt; Nghị quyết 33 đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ nghiên cứu xây dựng, ban hành 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng và các quy định về trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…
Tương tự, ông Gibran Bukhari, Giám đốc Khối Kinh doanh Masterise Homes cũng tin rằng đây cũng là giai đoạn “lửa thử vàng” của thị trường bất động sản. Những sản phẩm có giá trị thực, những dự án đáng sống sẽ vẫn thu hút khách hàng.
Gỡ khó cho thị trường bất động sản, các chuyên gia nói gì? |