Doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn và giải pháp đề ra
Tình trạng doanh nghiệp nợ đóng kinh phí công đoàn và nguyên nhân
Công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động nhờ nguồn kinh phí công đoàn. Ảnh minh họa: NGUYỄN LUẬN. |
Theo Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định: Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS).
Điều 5 Nghị định này cũng quy định: Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.
Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học - kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.
Về phương thức đóng kinh phí công đoàn, căn cứ Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP thì đóng kinh phí công đoàn theo phương thức sau đây:
Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên: đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức Công đoàn tại ngân hàng.
Tổ chức, doanh nghiệp: đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh: đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức Công đoàn.
Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Ảnh minh họa: NGUYỄN LUẬN. |
Nói về khoản đóng kinh phí công đoàn, trong một hội thảo do công đoàn tổ chức, đồng chí Phan Thanh Hải – Chủ tịch CĐCS một công ty có trụ sở ở TP. Hà Nội chia sẻ, với khoản tiền kinh phí công đoàn, đơn vị chăm lo cho đoàn viên, thực hiện tổ chức các hoạt động thăm hỏi, các hoạt động phong trào thể dục thể thao, hỗ trợ khác,...“Nguồn kinh phí công đoàn 2% là nguồn cơ bản quyết định hoạt động của công đoàn hiện tại. Việc sử dụng khoản kinh phí này luôn được công đoàn chúng tôi công khai, minh bạch”, vị Chủ tịch CĐCS cho hay.
Còn anh Trần Văn Mạnh, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính - Kế toán doanh nghiệp thủy sản ở KCN Thọ Quang, Đà Nẵng cho biết, công ty của anh lên sàn chứng khoán, thế nên mọi hoạt động về tài chính, trích đóng kinh phí công đoàn đều được lãnh đạo quan tâm chấp hành tốt.
“Kinh phí công đoàn đóng đủ, công khai, phối hợp cùng CĐCS Công ty. Nhờ khoản kinh phí đó, Công ty và công đoàn có kinh phí để thăm hỏi, chia sẻ khi đoàn viên, người lao động ốm đau hoạn nạn, tai nạn lao động; tổ chức các chương trình, hoạt động thể dục - thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời để công đoàn hoạt động tốt, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”, vị Trưởng phòng Tổ chức Hành chính - Kế toán chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có định hướng, chấp hành tốt đóng kinh phí công đoàn như trên. Theo một báo cáo người viết có được, trên địa bàn một tỉnh ở vùng Duyên hải miền Trung, có hàng chục doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn hơn 100 tỷ đồng, tính đến thời điểm báo cáo hồi cuối năm 2023.
Theo ghi nhận, doanh nghiệp nợ đều hoạt động trong khu, cụm công nghiệp, kinh doanh lĩnh vực dệt may, da giày, du lịch. Có nhiều doanh nghiệp nợ từ năm 2015, kéo dài đã hơn 8 năm, con số lớn từ 2 tỷ đồng đến trên dưới 10 tỷ đồng.
"Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm quy định về thu, nộp kinh phí công đoàn như trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng tỷ lệ quy định, đóng không đủ theo quỹ lương...Việc nợ kinh phí công đoàn lớn đã vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động của CĐCS trong hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động”, ý kiến của người có trách nhiệm trong báo cáo gửi đến chính quyền địa phương.
Bàn về nợ kinh phí công đoàn, theo LĐLĐ tỉnh Cao Bằng, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về trích đóng kinh phí công đoàn còn rất hạn chế, cố tình chây ỳ, không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Mặt khác, việc tiếp cận các doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS rất khó khăn do địa chỉ không rõ ràng, không tìm được doanh nghiệp, không giám sát được số đoàn viên và số lao động.
Về mặt khách quan, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và khu vực, các doanh nghiệp trong nước nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp ở tỉnh nói riêng không theo kịp xu thế phát triển của khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, điều hành quản lý,… nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lao động quá ít. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, lao động không có việc làm thường xuyên, nghỉ việc, lương thấp, đời sống khó khăn, làm ảnh hưởng đến thu kinh phí công đoàn và ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Những giải pháp để doanh nghiệp chấp hành tốt đóng kinh phí công đoàn
Tại Hội thảo tổ chức lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công đoàn 2012, đồng chí Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa góp ý, cần sửa đổi Luật Công đoàn để phù hợp với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phù hợp với Bộ luật Lao động 2019, Luật BHXH và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi 2014. Đối với công tác thu chi tài chính công đoàn, cần cụ thể hóa các trường hợp doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn nhưng không đóng, chưa đóng, chậm đóng kinh phí công đoàn.
“Cần có chế tài đủ mạnh, quy định rõ việc phối hợp giữa công đoàn với các cơ quan chức năng liên quan trong kiểm tra, xử lý vi phạm về đóng kinh phí công đoàn, BHXH, hướng dẫn thủ tục kiện ra tòa”, đồng chí Ngô Thế Anh nêu ý kiến.
Về phía LĐLĐ tỉnh Cao Bằng, để thực hiện có hiệu quả trong công tác thu kinh phí công đoàn cần có các giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn và Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam,...Đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ công đoàn và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp về việc thu, trích đóng kinh phí công đoàn 2% theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, xác định quỹ lương đóng BHXH ở các doanh nghiệp để làm căn cứ thu đúng, thu đủ kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác tổ chức thu đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới gắn với trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với tổ chức Công đoàn.
Thứ ba, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH,… Tuy nhiên để thực hiện được việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn theo Nghị định này thì còn phụ thuộc yếu tố khác, đó là thủ tục hành chính liên quan đến việc thụ lý đơn của Tòa án nên trên thực tế chưa thực hiện được. Vì vậy, tổ chức Công đoàn cần chủ động, tích cực trong việc tham gia với các cơ quan chức năng của nhà nước để có sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước gồm: các cơ quan thuế, bảo hiểm.... trong việc cung cấp thông tin về quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp có liên quan đến việc xác định số liệu về kinh phí công đoàn 2% phải trích đóng để đưa vào kế hoạch dự toán hàng năm đúng quy định.
Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tiếp cận tới từng doanh nghiệp trên địa bàn để đôn đốc, nhắc nhở việc trích nộp kinh phí công đoàn theo Nghị định số 191/2013/NĐ-CP; phối hợp với cơ quan thuế thường xuyên xuống các doanh nghiệp trao đổi, tiếp cận với giám đốc, người sử dụng lao động tại doanh nghiệp, để tạo mối quan hệ ủng hộ, trách nhiệm đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.
Cuối cùng, với phương châm “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp”, các cấp công đoàn chủ động chia sẻ với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, từ đó giúp doanh nghiệp hiểu đầy đủ các quy định về trích đóng kinh phí công đoàn. Cùng doanh nghiệp chăm lo cho người lao động tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, giúp họ tổ chức các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo Luật gia Nguyễn Thế Thành, căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Như vậy, theo như quy định trên, khi không đóng phí công đoàn sẽ phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Mức phạt trên là quy định đối với cá nhân do đó mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền cá nhân, theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Khen thưởng hơn 2 tỷ đồng các doanh nghiệp thực hiện tốt đóng kinh phí, đoàn phí công đoànHồi tháng 10/2023, Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. HCM phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp Thành phố đã tổ chức vinh danh tuyên dương 19 chủ doanh nghiệp tiêu biểu, trong tổng số 735 chủ doanh nghiệp có công đoàn trực thuộc Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM. Trong chương trình, Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM biểu dương, khen thưởng 18 doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn và 9 CĐCS đã thực hiện tốt nghĩa vụ đóng đoàn phí công đoàn năm 2022. Tổng kinh phí khen thưởng doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn và CĐCS thực hiện tốt nghĩa vụ đóng đoàn phí công đoàn là hơn 2 tỷ đồng. |
DANATEX từ ăn nên làm ra, nhận nhiều giải thưởng đến việc nợ lương, bảo hiểm lao động Công ty CP Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng (DANATEX) có trụ sở tại Lô B, đường số 9, Khu công nghiệp Hoà Khánh, TP. ... |
Cảnh báo mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội trên mạng Zalo, Facebook để lừa đảo, trục lợi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Dương phát đi cảnh báo việc nhiều trang Web, Zalo, Facebook, số điện thoại,…mạo danh cơ quan BHXH, ... |
Công ty cũ làm "khó dễ" không chốt sổ bảo hiểm xã hội, người lao động cần làm gì? Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, trách nhiệm chốt sổ thuộc đơn vị sử dụng lao động có sự phối hợp của cơ ... |