Về hưu sớm từ năm 1988, bà Lê Thị Quế (72 tuổi, quê Thanh Hoá) đang hưởng lương hưu gần 2,7 triệu đồng/tháng. Từng có thời gian làm công nhân lâm nghiệp, bà cho biết, thời điểm đó bà không được tham gia bảo hiểm xã hội.
Mức lương hưu dù không nhiều nhưng so với nhiều bạn già ở quê, bà Quế thuộc người an nhàn hơn vì dẫu sao vẫn có lương hưu. "Nhiều đồng nghiệp của tôi lúc đó không kiên trì, nghỉ việc sớm nhận chế độ 1 lần nên bây giờ vất vả lắm. Chi tiêu toàn bộ con cái chu cấp, không thì ở cùng con cháu để không lo nghĩ cơm ngày 3 bữa, nhưng như vậy cũng không được thoải mái" - bà Quế nói.
Với mức lương hưu còm cõi nếu không nương nhờ con cái, người già sẽ phải co kéo nhiều khoản. Ảnh: Minh Hương. |
Bà Quế sống một mình, con cái có người ở gần, người ở xa nhưng nhờ có lương hưu, bà cũng tự chủ hơn trong cuộc sống.
Chia sẻ về cách chi tiêu, bà Quế cho biết, hằng tháng, phí sinh hoạt của bà khoảng 3,5-4 triệu đồng. Trong đó, tiền điện, nước 300.000 đồng, ăn uống 1,6 triệu đồng, đám hiếu 600.000 đồng, còn lại là tiền thuốc men.
"Lương hưu chưa đến 3 triệu đồng, tất nhiên con cái phải "bơm" thêm; nếu không phải co kéo nhiều thứ" - bà Quế nói.
Lương hưu của Lê Thị Đào (sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là 2,9 triệu đồng/tháng. Như thường lệ, từ ngày 7-9 đầu tháng, bà đều đến nhà văn hoá phường để nhận hưu trí.
Trước đây, bà Đào là công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thuỷ sản, năm 1993, bà Đào nghỉ hưu. Lương hưu chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, phần lớn chi tiêu trong gia đình, bà Đào đều trông chờ vào khoản lương hưu của chồng.
Chồng bà là bộ đội nghỉ hưu, hưu trí khoảng 10,3 triệu đồng/tháng. Do vậy, lương hưu của bà phần lớn để dành dụm, mua phần thưởng nếu con cháu trong gia đình học giỏi.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội đối với những người làm việc và nghỉ hưu trước năm 1995 không hoàn toàn áp dụng nguyên tắc đóng – hưởng mà còn là sự ghi nhận của Nhà nước đối với quá trình công tác của người lao động, để sau khi nghỉ việc họ được hưởng khoản lương hưu, trợ cấp tương ứng với thời gian công tác.
Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết - theo quy định hiện nay thì tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 32% tiền lương, trong đó doanh nghiệp đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%. Trong đó, quỹ hưu trí người sử dụng lao động đóng 14%, người lao động đóng 8%.
Về nguyên tắc bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Theo nguồn: laodong.vn