Cần có một mối quan hệ minh bạch, cởi mở giữa báo chí và doanh nghiệp |
T&T Group “bắt tay” với các đối tác hàng đầu Hàn Quốc phát triển dự án LNG và hydrogen |
![]() |
TS. LS. Đoàn Văn Bình – Chủ tịch Tập đoàn CEO |
Mối quan hệ giữa báo chí và cộng đồng doanh nghiệp là mối quan hệ “đối tác tự nhiên”
PV: Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa báo chí và cộng đồng doanh nghiệp?
"DOANH NGHIỆP CŨNG CẦN CHỦ ĐỘNG CUNG CẤP THÔNG TIN MINH BẠCH ĐỂ BÁO CHÍ HIỂU VÀ PHẢN ÁNH KHÁCH QUAN, TÍCH CỰC VỀ THỊ TRƯỜNG, DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN" |
"BÁO CHÍ CÒN LÀ KÊNH HỮU HIỆU ĐỂ DOANH NGHIỆP GỬI GẮM, BÀY TỎ Ý KIẾN VỚI ĐẢNG, CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG NHẰM GÓP TIẾNG NÓI, ĐÓNG GÓP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT" |
TS. LS. Đoàn Văn Bình: Báo chí và doanh nghiệp đã hình thành mối quan hệ “đối tác tự nhiên”, nghĩa là mối quan hệ này dựa trên nền tảng của tin cậy, tương hỗ cùng phát triển. Doanh nghiệp luôn đánh giá các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng là “nhịp cầu” truyền thông chủ lực góp phần quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, giúp hình ảnh doanh nghiệp đến gần hơn với công chúng, khách hàng; kết nối các doanh nghiệp B2B với nhau (“Business to Business”– PV), qua đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Ở chiều ngược lại, báo chí nhìn nhận hoạt động, thành quả của các doanh nghiệp, doanh nhân như là nguồn đề tài phong phú giúp gia tăng chất lượng thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của công chúng, qua đó nâng cao uy tín và thương hiệu của báo chí. Trong số các ấn phẩm của 127 cơ quan báo chí và 670 cơ quan tạp chí (số liệu thống kê năm 2022 của Bộ Thông tin và truyền thông), đa số báo, tạp chí đã mở chuyên mục cho các hoạt động kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng. Đây cũng là nội dung được 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình khai thác thành các chương trình thời sự, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục… phát sóng thường xuyên. Đặc biệt, chuyên mục Bất động sản được xây dựng và xuất hiện khá phổ biến trên nhiều mặt báo, tạp chí. Điều này phản ánh báo chí quan tâm rất lớn đến lực lượng sản xuất ra phần lớn của cải vật chất của đất nước có nền kinh tế mở hàng đầu thế giới.
Cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển vượt bậc của dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ kỹ thuật số càng tiếp thêm năng lượng để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp thêm gắn kết và hiệu quả. Những cách thức truyền thông ngày càng đa dạng giúp “cây cầu” kết nối nhà nước - doanh nghiệp - công chúng ngày càng nhanh hơn và mở rộng hơn.
Báo chí và doanh nghiệp rất cần nhau và tất cả đều vì Việt Nam phát triển, văn minh và có thu nhập cao vào năm 2045.
Sự phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp chính là công tác phản biện xã hội tích cực
PV: Vậy ông đánh giá cao sự phối hợp cụ thể nào giữa báo chí và doanh nghiệp, thưa ông?
TS. LS. Đoàn Văn Bình: Vượt lên những giá trị hợp tác truyền thống, ngày nay, báo chí còn là kênh hữu hiệu để doanh nghiệp gửi gắm, bày tỏ ý kiến tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ - ban - ngành Trung ương và địa phương nhằm góp tiếng nói, đóng góp hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đã thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, tổ chức, doanh nghiệp, từ việc phản biện đến thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua những thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tiêu biểu như gần đây, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở ý kiến của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, Chính phủ đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo trình Quốc hội. Tính đến đầu tháng 4/2023, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong số hàng chục triệu ý kiến, hàng triệu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân , nhất là các ý kiến mang hơi thở thực tiễn của các doanh nghiệp bất động sản được báo chí, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Cụ thể, có không ít các ý kiến đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TPHCM và các doanh nhân được thể hiện thông qua các ý kiến phát biểu tại hội thảo, bài nhận định, phân tích đăng tải trên báo chí chính thống. Thậm chí, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã mở những chuyên mục, chuyên trang riêng để đăng tải nội dung liên quan tới việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giúp công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin đa chiều, thông tin chuyên sâu và cơ quan nhà nước tổng hợp thông tin.
Hay như cộng đồng doanh nghiệp du lịch kiên trì phản biện chính sách về nới lỏng thị thực du lịch cho du khách đến với Việt Nam theo xu hướng cởi mở của khu vực và thế giới nhằm vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn du lịch đang đối mặt với khó khăn chưa từng có, bắt kịp các nước trong khu vực, hướng đến các mục tiêu chiến lược nằm trong top 30 nước có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau trên 1 thập kỷ, thật may, gần đây đã được lắng nghe. Đây thực sự là sự thấu hiểu và hành động quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ngay sau đó Chính phủ đã có đề xuất Quốc hội xem xét và cũng ngay lập tức Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên tiếng ủng hộ. Có được kết quả phản biện chính sách như trên, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, rõ ràng báo chí đóng vai trò quan trọng khi phản ánh những nguyện vọng chính đáng, tâm huyết, thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp, của ngành kinh tế có đóng góp khoảng 10% GDP, thu nhập 30 tỷ USD và giải quyết 25% lực lượng lao động tính vào năm 2019, trước đại dịch Covid-19.
Báo chí và doanh nghiệp cũng đang chủ động, tích cực phản biện các chính sách về xây dựng các doanh nghiệp dân tộc, thu hút FDI, phản biện các Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở đang được lấy ý kiến nhân dân, hay tiếp tục kiến nghị Nhà nước xem xét ban hành thêm các chính sách Ngôi nhà thứ 2, Du mục kỹ thuật số, cho phép người nước ngoài là đối tượng sử dụng đất trong Luật Đất đai sửa đổi để tương thích với Luật Nhà ở, mở rộng cho phép họ mua và sở hữu các công trình xây dựng như văn phòng, bất động sản du lịch hay tiếp tục xem xét thành lập Khu Hành chính - kinh tế đặc biệt phù hợp Hiến pháp 2013 hay thử nghiệm thành lập các Đặc khu kinh tế, nhất là tại các cửa khẩu hay nâng cấp từ các khu kinh tế ven biển để thử nghiệm thể chế và đào tạo nguồn nhân lực cấp cao, tạo thêm các đầu tầu kéo cho nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn, thách thức sau Đại dịch Covid-19, nhu cầu thế giới giảm kéo theo các đơn hàng giảm, FDI giảm và cả những thay đổi địa chính trị đang diễn ra trên thế giới.
![]() |
Doanh nghiệp mong muốn đồng hành cùng báo chí chia sẻ, hợp tác hiệu quả vì sự phát triển của đất nước
PV: Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông có thể cho biết cộng đồng doanh nghiệp có những mong muốn gì từ báo chí trong lúc khó khăn như hiện nay?
TS. LS. Đoàn Văn Bình: Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thực tế, trên 800.000 doanh nghiệp, 15.300 HTX phi nông nghiệp và 6 triệu hộ kinh doanh đang là lực lượng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước, đóng thuế để Nhà nước có nguồn lực vận hành bộ máy và đầu tư hạ tầng, giải quyết hàng chục triệu việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội - một kỳ tích của Việt Nam được thế giới công nhận, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nói riêng về doanh nghiệp bất động sản thì như thế nào? Trong khi những năm qua, doanh nghiệp bất động sản đã góp phần thay đổi hình ảnh đất nước hiện đại hơn, khang trang hơn với sự hiện diện của các khu đô thị đa tiện ích, các trung tâm thương mại, các khu du lịch, nghỉ dưỡng đồng bộ, góp phần thu hút đầu tư từ nước ngoài, tạo lập hạ tầng cứng cho nông nghiệp, công nghiệp, logistics phát triển … Vai trò của ngành bất động sản ngày càng lớn với sự đóng góp ngày càng nhiều hơn cho GDP, lan tỏa đến khoảng 40 ngành kinh tế và sử dụng tới 2.500 sản phẩm, dịch vụ (từ những sản phẩm nhỏ như cái kim, sợi chỉ,… cho đến những thiết bị, hệ thống máy móc lớn như hệ thống điều hòa trung tâm, thang máy, máy phát điện...).
Trong quá trình đóng góp vì sự phát triển của đất nước, ngoài việc phải tự hoàn thiện mình, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn mong mỏi sự thấu hiểu, chia sẻ, động viên, hợp tác hiệu quả hơn nữa, nhất là trong lúc khó khăn bủa vây. Làm được điều này, vai trò của báo chí càng được khẳng định. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn ý thức được tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của báo chí và tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ trở nên khăng khít, hiệu quả hơn.
Không làm gì thì dễ tròn như viên bi. Có làm có thể có sai. Càng làm nhiều nguy cơ sai càng lớn trong bối cảnh hệ thống pháp luật, dù ngày càng được hoàn thiện, vẫn còn phức tạp, chồng chéo, chưa theo kịp thực tiễn muôn màu. Nhưng nếu tất cả cùng sợ, cùng dừng lại, thì ai sẽ làm? Thật may, phần lớn cộng đồng doanh nghiệp vẫn giữ vững niềm tin vào những điều tốt đẹp, vẫn đang bám thị trường để “chiến đấu” sinh tồn, giữ việc cho người lao động, tiếp tục đóng góp vì sự phát triển của đất nước. Nhìn vào các doanh nghiệp dân tộc hàng đầu đang từng ngày vượt qua những sức ép cực đại về thị trường, đơn hàng giảm sút, thiếu vắng du khách quốc tế, chi tiêu của thị trường trong nước giảm, lãi suất tăng cao hơn cả khả năng làm ra lợi nhuận, giá cả và chi phí đầu vào leo thang, dòng tiền bị thắt chặt, niềm tin của công chúng vào thị trường xuống thấp, thể chế còn phức tạp, khó tránh khỏi những sai phạm to, nhỏ, sự kỳ thị và các thách thức cạnh tranh trên trường quốc tế… mới thấy bản lĩnh của những chiến binh trên mặt trận kinh tế. Nếu không yêu nước đến nhường nào, hẳn những doanh nhân hàng đầu đang ngày đêm cống hiến cho nền kinh tế sẽ chọn con đường khác, nhàn hơn, triệt tiêu rủi ro sinh mạng. Phải khẳng định rằng phần lớn doanh nghiệp đều ý thức làm đúng, tuân thủ pháp luật. Cộng đồng doanh nghiệp đều rất yêu đất nước mình và khát khao muốn cống hiến, đóng góp nhỏ bé cho đất nước phát triển. Trong bối cảnh đó, thật ấm lòng, nếu tại những thời điểm khó khăn như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nhận được sự chia sẻ, động viên và khích lệ nhiều hơn của báo chí.
Về phần mình, doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin minh bạch để báo chí hiểu và phản ánh khách quan, tích cực về thị trường, doanh nghiệp, doanh nhân để nhà nước nắm bắt thông tin chính xác cho công tác quản lý, đồng thời kiến tạo cho phát triển; cộng đồng hiểu để ra các quyết định mua sắm, đầu tư; thị trường hiểu để niềm tin phục hồi. Có như vậy, các giải pháp phục hồi nền kinh tế mới được ban hành đúng và trúng.
Còn rất nhiều không gian để phát triển mối quan hệ báo chí với doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Khi mối quan hệ tự nhiên này tiếp tục được mở rộng, nâng tầm cao mới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ ngày càng phát huy được vai trò tiên phong của mình trên mặt trận kinh tế và cả hai sẽ cùng nhau đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
![]() "Quan hệ 'Đối tác chiến lược toàn diện' sẽ đưa quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Hàn Quốc sang trang mới, phát ... |
![]() MGI nhận vốn đầu tư từ đối tác Singapore, sau khi được VIISA rót vốn hồi tháng 6... |
![]() Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) ký hợp đồng với công ty bảo hiểm nơi em ruột và em rể của bầu Thụy ... |