Mục tiêu 55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có khả thi?
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Năm 2023, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hướng mốc 55 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2022, có khả thi và với từng ngành hàng sẽ thế nào?
Thủy sản: Cố gắng duy trì 11 tỷ USD
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong năm 2023 khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ vẫn duy trì con số 11 tỷ USD của năm rồi; vì xuất khẩu thủy sản đã đạt mức tăng trưởng đáng kể ở thị trường Trung Quốc nên trong năm 2023, và chỉ có thể vẫn duy trì ở mức bình thường cũ chứ khó thể tăng đột biến, mặc dù thị trường này đã gỡ bỏ chính sách “zero COVID”.
Năm qua, tuy Trung Quốc duy trì sách “zero COVID” nhưng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này vẫn đạt mức tăng trưởng cao, một phần lợi thế đến từ xuất khẩu qua biên giới. Nhưng khi Trung Quốc mở cửa thị trường sẽ có nhiều nước tăng xuất khẩu thủy sản vào, khiến thủy sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt và lợi thế thị trường gần sẽ không còn nên khó tăng đột biến như năm qua.
“Trung Quốc mở cửa thì các nước trước đây Trung Quốc nhập khẩu thủy sản nhiều sẽ lập tức quay lại, khi đó sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và yếu tố xuất khẩu biên giới không còn, nên xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc không thể tăng đột biến như trong năm rồi. Nhưng qua kết quả năm 2022, chúng ta thấy được nhu cầu hàng thủy sản ở Trung Quốc vẫn cao, và để không bị bỏ lại ở phía sau các doanh nghiệp thủy sản cần cố gắng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của năm 2022.
Đối với chỉ tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 55 tỷ USD, nếu trong quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản phục hồi có thể kỳ vọng xuất khẩu thủy sản duy trì được mức 11 tỷ USD của năm 2022, vì vậy ngành thủy sản khó có thể đóng góp được vào phần tăng trưởng của năm nay”, Tổng thư ký VASEP tính toán.
Lúa gạo: Xuất khẩu sẽ thuận lợi
Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex group cho biết, trong 55 tỷ USD Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp, chủ yếu kỳ vọng tăng trưởng ở ngành rau quả, cho dù năm 2023 sẽ là một năm tốt đối với ngành lương thực.
Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu trên dưới 6,5 triệu tấn gạo, nhưng năm 2022 xuất khẩu lên 7,1 triệu tấn và hiện nay giá lúa gạo đang ở mức tốt. Về mặt lý thuyết khi làm ăn có hiệu quả kinh tế thì người nông dân sẽ mở rộng diện tích sản xuất, nhưng năm 2023, ngành lúa gạo khó có thể tăng thêm lượng xuất khẩu so với năm rồi. Có nhiều dự báo xuất khẩu gạo năm nay sẽ thuận lợi, vì:
Thứ nhất, giá gạo đầu vụ đang ở mức giá cao là lợi thế để doanh nghiệp đàm phán hợp đồng, nhưng vấn đề là mức giá này duy trì được bao lâu.
Thứ hai, Trung Quốc mở cửa sẽ là những điều kiện rất tốt để xuất khẩu gạo tiếp tục ổn định. Thị trường có ổn định giá gạo xuất khẩu sẽ cao.
Giá lúa gạo tốt tạo tâm lý phấn khởi cho người nông dân, giúp bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước siết room tín dụng đang làm khó cho ngành lúa gạo.
Do vậy, để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản điều quan trọng nhất là phải tiêu thụ được hết các sản phẩm nông nghiệp của nông dân trong đó có lúa gạo, muốn tiêu thụ hết các sản phẩm nông nghiệp của nông dân thì lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn ngân hàng. Do vậy ngân hàng cần ưu tiên vốn cho nông nghiệp.
“Thời gian đại dịch COVID hoành hành giá nông sản xuống thấp, người nông dân thua lỗ lao đao, bây giờ giá nông sản đang tốt tạo tâm lý phấn khởi trong bà con. Để người nông dân có được niềm vui trúng mùa được giá bằng cách nào đó phải mua được hết tất cả các sản phẩm nông nghiệp của họ, nếu không chắc chắn bà con sẽ bị ép giá”, Phó chủ tịch VFA nói.
Để ngành nông nghiệp luôn và mãi là trụ đỡ của nền kinh tế thì vấn đề quan trọng là phải mua được hết tất cả nông sản của nông dân, và mong muốn lớn nhất của bà con là bán được hết nông sản làm ra, nhưng nếu doanh nghiệp không có đủ vốn thì khả năng bán hết nông sản sẽ rất khó; và khi nông sản của nông dân không được tiêu thụ được hết sẽ ảnh hưởng đến đời sống và khả năng tái đầu tư sản xuất.
Cà phê: Tính toán ba tác động
Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt 55 tỷ USD, tăng 1,78 tỷ USD so với năm 2022 là vừa tầm, vì khi giao chỉ tiêu Chính phủ cũng đã xét đến những khó khăn khách quan toàn cầu và những khó khăn khách quan trong nước.
Xuất khẩu cà phê tăng hay giảm phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường và do thị trường quyết định, Vicofa kỳ vọng giá cà phê tăng lên để xuất khẩu được thuận lợi. Và theo Chủ tịch Vicofa, năm 2023 có 03 yếu tố tác động lên ngành cà phê:
Thứ nhất, tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, chiến tranh giữa Nga và Ukraina làm ảnh hưởng đến châu Âu, thị trường chiếm hơn 45% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, trong nước biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cà phê.
Thứ ba, tăng tỷ lệ các sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay.
Năm 2022, giá cà phê xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng lên cùng với đó là xuất khẩu cà phê chế biến sâu tăng đạt trên dưới 15%/tổng lượng xuất khẩu cả nước, Vicofa đang cố gắng đưa tỷ lệ này tăng lên từ 17% đến 20% trong năm 2023.
“Năm nay các điều kiện khách quan như lạm phát, nhu cầu tại các thị trường lớn giảm, nhất là thị trường châu Âu còn khá bấp bênh, vì vậy, ngành cà phê cố gắng giữ kim ngạch xuất khẩu năm nay bằng năm 2022 là 4 tỷ USD, nếu tăng thêm thì tốt. Thời gian qua, chúng ta đã tăng tiêu thụ nội địa, phát triển được chế biến sâu góp phần tăng trưởng xuất khẩu, nếu chế biến sâu tăng lên từ 17% -20%, khi đó xuất khẩu cà phê có thể đạt 4,1 đến 4,2 tỷ USD”, Chủ tịch Vicofa nói.
Hồ tiêu: Kỳ vọng kim ngạch 1 tỷ USD
Đối với ngành hàng hồ tiêu, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Hải Nam cho biết, thị trường hồ tiêu có khó khăn gần như ngành cà phê, do tình hình lạm phát nên nhu cầu ở hầu hết các thị trường lớn đều giảm.
“Tiêu là một loại gia vị, khi kinh tế phát triển các nước sẽ tăng tiêu thụ nhưng bây giờ tình hình kinh tế khó khăn nên xuất khẩu hồ tiêu sẽ chưa hết khó. Tuy nhiên, Trung Quốc mở cửa trở lại xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường này hy vọng khởi sắc, bởi Trung Quốc cũng là thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này có thể đạt 1 tỷ USD mà trong năm 2022 đã lỗi hẹn”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định.
Đồ gỗ: Khó tiên liệu khi thiếu đơn hàng
Ông Nguyễn Liêm - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt cho biết, khó khăn đeo bám ngành gỗ từ giữa năm 2022 mãi đến hiện tại vẫn chưa hết khó.
Năm qua, ngành gỗ hầu như chỉ tận dụng được cơ hội xuất khẩu trong quý 1/2022 và những đơn hàng cũ từ năm 2021 và cho đến nay các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa có đơn hàng cho quý 1/2023, buộc các nhà máy cho công nhân nghỉ Tết sớm và chưa định ngày khai trương năm mới.
“Ngày khai trương phải là ngày mở cửa sản xuất luôn nhưng do chưa có đơn hàng nên đến nay doanh nghiệp vẫn chưa định được ngày khai trương, mà chỉ cúng lấy ngày cho năm mới. Đối với ngành gỗ đến giờ này vẫn rất khó dự đoán kim ngạch xuất khẩu năm 2023, mà chờ đến quý 2 xem tình hình thị trường diễn biến như thế nào mới dự báo được”, Phó chủ tịch Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương nói.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 16,01 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm rồi, trong đó sản phẩm gỗ (các mặt hàng chế biến sâu) đạt 11,05 tỷ USD giảm 0,3% so với 2022, chiếm 69%/tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ, và hai thị trường chủ lực của sản phẩm gỗ là Hoa Kỳ và EU đều sụt giảm xuất khẩu.
Tại thị trường Hoa Kỳ, đến nay Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) vẫn giữ lãi suất ở mức cao và có khả năng sẽ tăng thêm đôi chút, với mức lãi suất này không ai dám vay tiền mua nhà, nhà đầu tư bất động sản cũng không dám đầu tư. Các hội chợ triển lãm đồ gỗ ở Hoa Kỳ đều vắng khách cho thấy thị trường này vẫn chưa khởi sắc.
Tại thị trường EU, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina càng ngày càng khốc liệt chưa biết khi nào sẽ kết thúc nên xuất khẩu đồ gỗ sang vẫn chưa hết khó.
“Năm rồi kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ là nhờ dăm gỗ và viên nén. Năm 2023, ngành gỗ cố gắng duy trì kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2022 là mừng rồi, vì lãi suất ở Mỹ tuy vẫn ở mức cao nên thị trường nhà đất ở đây chưa có dấu hiệu hồi phục; cuộc chiến giữa Nga và Ukraina vẫn diễn biến phức tạp nên thị trường châu Âu chưa hết khó. Vì vậy, thị trường đồ gỗ rất khó tiên liệu. Thôi thì đi bước nào tính bước đó, đợi xem tình hình như thế nào rồi mới tính tiếp. Về dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2023 phải chờ đến quý 2/2023 mới có thể đưa ra con số”, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt nói.
Rau quả: Có thuận lợi để tăng 1 tỷ USD
Sang năm 2023, ngành rau quả được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, sau khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “zero COVID” và có thêm nhiều mặt rau quả được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các quốc gia khác.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sau khi trải qua một năm nhiều biến động nhiều cơ hội thị trường đang mở ra phía trước cho ngành rau quả, vì vậy, Vinafruit dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước năm 2023 ít nhất cũng đạt được 4 tỷ USD. Sở dĩ Vinafruit đưa ra con số dự báo 4 tỷ USD vì có nhiều thuận lợi và những cơ sở vững chắc so với năm 2022 để ngành rau quả hướng mục tiêu trên.
Thứ nhất, Trung Quốc là thị trường chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, và thị trường này sẽ quyết định giá cả các mặt hàng rau quả ở Việt Nam. Đầu tháng 12/2022, Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “zero COVID” sẽ thúc đẩy lượng rau quả xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh.
Thứ hai, mùa đông ở Trung Quốc rất lạnh cây thanh long không cho trái, và Trung Quốc cũng như Việt Nam vào dịp Tết người dân cần có một dĩa trái cây đặt trên bàn thờ gia tiên, nên họ nhập khẩu rất nhiều xoài và thanh long... Chính lực hút từ thị trường Trung Quốc khiến nhiều loại trái cây ở Việt Nam tăng giá kể cả sầu riêng. Nhìn chung giá trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng gấp 2, 3 lần so với trước. Do vậy, có nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu rau quả trong năm 2023 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2022.
Thứ ba, các nghị định thư mới ký và sắp ký sẽ tạo điều kiện cho rau quả vào thị trường Trung Quốc được thuận lợi hơn.
Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 12 loại trái cây sang Trung Quốc, nhưng chỉ 04 loại trái cây gồm măng cụt, sầu riêng, chuối và khoai lang có Nghị định thư, còn lại 8 loại chưa có Nghị định thư và theo kế hoạch của Cục Bảo vệ thực vật, những mặt hàng có giấy phép xuất khẩu chính ngạch mà chưa có Nghị định thư như thanh long, chôm chôm, nhãn... sẽ được ưu tiên đàm phán ký trước.
Mặc dù có giấy phép xuất khẩu chính ngạch nhưng mặt hàng nào chưa ký Nghị định thư Trung Quốc sẽ kiểm tra 100% sản phẩm khi trước khi xuất vào nội địa, làm tăng thêm thời gian kiểm tra và chi phí chờ đợi. Những mặt hàng có Nghị định thư phía Trung Quốc chỉ lấy mẫu kiểm tượng trưng.
Do vậy, khi các nghị định thư mới được ký cùng với những nghị định thư cũ sẽ giúp rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc được nhiều hơn, cộng với việc nước này bỏ “zero COVID” cũng như người dân Trung Quốc tăng cường tiêu thụ trái cây để tăng sức đề kháng chống lại bệnh COVID, thúc đẩy thương nhân Trung Quốc tăng nhập khẩu trái cây.