Mục tiêu xuất khẩu 22 – 23 tỷ USD của ngành da giày có là khả thi?
8 tháng xuất khẩu giày dép các loại đạt 16,368 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Giày dép của Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, và tập trung ở các thị trường chính như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, chiếm 10% thị phần toàn cầu.
Mục tiêu năm 2023, xuất khẩu giày dép sẽ đạt 25 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,293 tỷ USD, tăng 0,9% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng xuất khẩu giày dép các loại đạt 16,368 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, bình quân xuất khẩu giày dép đạt trên 2 tỷ USD/tháng, còn 4 tháng mới hết năm và còn 3,6 tỷ USD là cán đích mục tiêu. Với đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu giày dép sẽ đạt thậm chí vượt mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho biết, mục tiêu của ngành trong năm nay cố gắng đạt từ 22 – 23 tỷ USD, và con số này sẽ là tiền để cho những đơn hàng trong năm 2023. Từ đó, toàn ngành sẽ phấn đấu và hướng mục tiêu xuất khẩu đạt 25 tỷ USD trong năm 2023.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu này”, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam nói.
Tăng trưởng cao nhờ tận dụng rất tốt các FTA
Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân ngành da giày đạt được tăng trưởng cao là nhờ tận dụng rất tốt các lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch sản xuất để có thể sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa (C/O) các FTA đã giúp ngành này có thể đạt mục tiêu xuất khẩu năm nay là từ 22 - 23 tỷ USD.
Tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam, và trong năm 2021, đã có 1,2 triệu bộ Giấy chứng nhận C/O ưu đãi được cấp, tăng 24% về trị giá và tăng 23% về số lượng bộ C/O so với năm 2020.
Về cơ cấu mặt hàng, mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm nhẹ 2,78% so với năm 2020.
Tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi.
Lợi thế chênh lệch thuế, xuất khẩu vào EU có thể đạt 35 tỷ USD vào năm 2025
Nghị sĩ Bernd Lane – Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu cho biết, giày dép của Việt Nam khi xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5% – 4,2% so với các đối thủ cạnh tranh khác. Do vậy, việc tuân thủ nghiêm nguyên tắc xuất xứ, thực hiện đổi mới sáng tạo là trách nhiệm đặt ra đối với mỗi doanh nghiệp của ngành hàng này.
Với lợi thế lớn từ việc giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào EU đã giúp các sản phẩm da giày của Việt Nam chiếm trên 80% thị phần tại thị trường này, đây cũng là cơ sở để ngành da giày túi xách Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sang EU sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 tới đây.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực.
Hiện nay, xuất khẩu giày dép, túi xách sang những thị trường có các FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA đều có tốc độ tăng trưởng từ 10% - 20%. Đây là cơ sở để toàn ngành giày dép đặt mục tiêu tăng trưởng trên 15% trong năm nay.