Nga đang bán dầu ra thị trường thế giới ở mức bao nhiêu sau quy định cấm của EU?
Quy định cấm dầu Nga của EU có hiệu lực bắt đầu từ ngày 5/12/2022 đã khiến cho Moscow phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế, chủ yếu tại châu Á, cho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày.
Cũng trong ngày 5/12/2022, chính phủ các nước công nghiệp phát triển G7 áp dụng quy định giá trần 60USD/thùng với dầu Nga vận chuyển trên biển nhằm hạn chế khả năng tài chính của Nga trong việc huy động tiền cho căng thẳng quân sự Nga – Ukraine. Tuy nhiên phía Nga đã khẳng định sẽ không tuân thủ quy định hạn chế nói trên.
Quyết định của phương Tây đã khiến cho các doanh nghiệp sản xuất năng lượng Nga phải cạnh tranh quyết liệt với nhau và với cả những bên cung cấp dầu tại châu Á, châu Âu và Trung Đông, như vậy yếu tố duy nhất giúp Nga cạnh tranh được chính là giá cả.
Với một số thỏa thuận mua dầu trong tháng này, giá dầu Urals tại các cảng của Ấn Độ, trong đó có bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển bằng tàu, đã giảm xuống mức thấp hơn khoảng từ 12 đến 15USD/thùng so với mức giá dầu Brent trung bình, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng ước tính thấp hơn khoảng 5-8USD/thùng trong tháng 10/2022 và 10-11USD/thùng trong tháng 11/2022.
Áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất dầu đã tăng lên tại các cảng của Nga bởi quá thiếu các tàu có thể phù hợp với thời tiết mùa đông của Nga, chi phí vận chuyển vì vậy tăng cao hơn, tuy nhiên bên bán có thể sẽ chịu chi phí này tùy thuộc vào điều khoản hợp đồng của hai bên.
Chi phí vận tải giờ đây đã tăng lên mức ước tính khoảng 11 đến 19USD/thùng dầu so với mức chưa đầy 3USD/thùng dầu trước thời điểm tháng 2/2022 và gấp đôi so với thời kỳ giữa năm nay.
Các tính toán của Reuters cho thấy rằng giá dầu Urals tại các cảng bán sang Ấn Độ đã chênh lệch đến 32-35USD/thùng nếu không tính đến chi phí vận tải.
Giá trị của dầu Brent dao động trong ngưỡng dưới 80USD/thùng vào đầu tháng 12/2022, trong khi đó chi phí ước tính của dầu Nga cho các nhà sản xuất có tính đến thuế, chi phí vận tải hay xuất khẩu dao động trong khoảng từ 15-45USD/thùng, theo Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin công bố vào năm ngoái.
Các doanh nghiệp cung cấp dầu của Nga hiện đang cố gắng tự xử lý hoạt động xuất khẩu dầu sang Ấn Độ bằng tàu riêng, nhờ vậy chi phí vận tải giảm đi. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu hiện vẫn phụ thuộc vào các tổ chức trung gian, điều đó cũng đồng nghĩa họ sẽ phải chia sẻ lợi nhuận mà họ đang có.
Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 tại châu Á, hiện đang ở trong vị thế tốt hơn để mua dầu Urals so với Trung Quốc bởi thiếu tuyến vận chuyển và các doanh nghiệp lọc dầu tại Trung Quốc dễ thích ứng với việc xử lý dầu Nga hơn.
Không chỉ vậy New Delhi cũng chịu tiếp nhân các tàu và dịch vụ bảo hiểm cung cấp bởi các đối tác Nga, trong khi phía châu Âu đã không còn làm điều này.
Nguồn cung dầu Urals sang Ấn Độ trong tháng 11/2022 tăng lên ít nhất 3,7 triệu tấn và lập kỷ lục 53,2% trong tổng lượng dầu vận chuyển qua các cảng biển vào tháng trước, theo số liệu của Refinitiv Eikon.
Quy định cấm dầu Nga mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng bắt đầu có hiệu lực chính thức từ ngày 5/12/2022. Quy định này sẽ đóng cửa thị trường dầu gần châu Âu nhất từng cung cấp đến một nửa lượng dầu vào khu vực ở thời điểm đầu năm qua. Với một ngoại lệ khối lượng dầu nhỏ chuyển sang Bulagia, dầu Nga vào EU đã chững lại.
Lượng dầu mà châu Âu không nhập sẽ được điều hướng sang châu Á, các tàu chở dầu sẽ đi vòng quanh châu lục thông qua kênh đào Suez để đến được Ấn Độ và Trung Quốc. Trong tuần kết thúc vào ngày 9/12/2022, lượng dầu đi qua tuyến này đã lên vượt mức 3 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 89% lượng dầu mà phía Nga bán ra từ các cảng trong tuần, theo số liệu của Bloomberg.
Hơn nửa lượng dầu thô này được vận chuyển từ các cảng khu vực Baltic, Biển Đen và Cực Bắc qua kênh đào Suez nhưng không hề có thông báo nào về điểm đến cuối cùng. Hiện còn chưa rõ liệu tất cả các lượng dầu này đã được bán hoặc liệu các tàu chở dầu đó được điều hướng đến khu vực với hy vọng chúng sẽ được bán xong trước khi đến nơi.
Cho đến nay, Moscow chưa hề đưa ra động thái trả đũa châu Âu về việc áp trần giá dầu 60USD/thùng với dầu bán sang châu Âu bằng đường tàu biển đồng thời hạn chế cung cấp dịch vụ bảo hiểm cũng như nhiều loại dịch vụ khác thông qua các doanh nghiệp châu lục này. Nga mới chỉ đe dọa sẽ ngừng cung cấp dầu cho những nước tuân thủ quy định áp trần này bởi nhiều nước đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.
Việc tạm hoãn vận chuyển dầu thông qua hệ thống đường ống, một lựa chọn mà nhiều khả năng sẽ gây tổn hại đến nhiều nước như Slovakia, Hungary và cộng hòa Séc, tuy nhiên chắc chắn sẽ tạo ra đối trọng không nhỏ đến nhiều khách hàng châu Âu của Nga bao gồm Đức hay Ba Lan, hai nước này đang tìm cách để ngăn nhập khẩu trước thời điểm cuối năm nay.