Ngành cà phê tính toán vượt khó, nâng tỷ trọng chế biến sâu
Ngành cà phê chứng kiến giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa giảm mạnh trong những ngày đầu năm 2023, giao dịch dưới 40.000 đồng/kg. Tại cảng khu vực TP.HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.855 USD/tấn, chênh lệch +30 USD/tấn, tăng 1 USD/tấn (tương đương mức tăng 0,05%) so với ngày cuối năm 2022.
Hiện nay giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 42.300 – 42.700 đồng/kg.
Giá cà phê nội địa tăng do tại 2 sàn giao dịch London và New York giá cà phê tiếp nối đà tăng và đã vượt các ngưỡng kỹ thuật quan trọng, sau báo cáo GDP quý 4/2022 của Mỹ tăng hơn mức dự kiến làm giảm tâm lý lo ngại nền kinh tế suy thoái.
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất USD ở mức thấp nhất tại phiên họp điều hành vào giữa tuần tới đã thúc đẩy hầu hết giá cả hàng hóa quay trở lại xu hướng tăng. Tuy nhiên dự kiến báo cáo Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) ra hôm nay sẽ phản ánh lạm phát Mỹ vẫn còn cao sẽ khiến các nhà đầu tư cần phải thận trọng với các tài sản có tính rủi ro cao.
Top 5 thị trường xuất khẩu cà phê
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 01/2023, xuất khẩu cà phê đạt 91.952 tấn, trị giá 202.532.191, so với 15 ngày đầu tháng 12/2022 tăng 31,46% về khối lượng và tăng 29,06% về trị giá.
Năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng 13,8% về lượng, tăng mạnh 32% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với năm 2021 đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 4,06 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình là 2.281,7 USD/tấn, tăng 16% về giá so với năm 2021.
Top 5 thị trường xuất khẩu chủ lực của cà phê Việt Nam lần lượt là: Đức, Mỹ, Ý, Nhật Bản và Bỉ.
Cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức trong năm 2022, chiếm 12,6% trong tổng lượng và chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch, đạt 224.723 tấn, tương đương 473,61 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân 2.107,5 USD/tấn, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 13,2% về kim ngạch và tăng 14,2% về giá so với năm 2021.
Thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn thứ hai là Mỹ với 129.347 tấn, trị giá 305.43 triệu USD, giảm 3,4% về lượng nhưng tăng 11,72% về kim ngạch so với năm trước. Giá xuất khẩu trung bình 2.361 USD/tấn, chiếm trên 7%, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Xuất khẩu cà phê sang Italia – thị trường lớn thứ ba cũng tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với năm 2021, với mức tăng tương ứng 8,5%, 31,4% và 21,1%, đạt 139.271 tấn, tương đương 295,63 triệu USD, giá trung bình 2.122,7 USD/tấn, chiếm 7,8% trong tổng lượng và chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch.
Thứ tư là thị trường Nhật Bản đạt 109.345 tấn, trị giá 277,58 triệu USD, giảm 2,52% về lượng, tăng 22,58% về giá trị. Thị trường Bỉ đứng thứ năm với khối lượng xuất khẩu đạt 212.865 tấn, trị giá 257,79 triệu USD, tăng 101,5% về lượng và tăng 130,55% về kim ngạch so với năm 2021.
Nhìn chung, trong năm 2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với năm 2021.
Cung vượt nhu cầu, xuất khẩu cà phê sẽ khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ 2021/2022 lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023; tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022/2023.
Báo cáo Thương mại tháng 12 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), thị trường cà phê thế giới sẽ vẫn đối mặt với khó khăn trong năm 2023 do sức tiêu thụ giảm.
Chuyên gia ngành cà phê dự báo quý 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết trong năm 2023, xuất khẩu cà phê trong nước tăng hay giảm phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường và do thị trường quyết định; năm 2022 giá cà phê xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng lên và năm 2023 cũng vậy. Tuy nhiên, năm nay điều kiện khách quan lớn hơn như lạm phát tăng, nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu lớn bị kéo giảm, đặc biệt là thị trường châu Âu nơi chiếm trên dưới 45% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraina vẫn chưa biết khi nào kết thúc nên thị trường châu Âu vẫn còn khá bấp bênh.
Theo Chủ tịch Vicofa, năm 2023 có 03 yếu tố tác động lên ngành cà phê.
Thứ nhất, tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, chiến tranh giữa Nga và Ukraina làm ảnh hưởng đến châu Âu, thị trường chiếm hơn 45% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, trong nước biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cà phê.
Thứ ba, tăng tỷ lệ các sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay, khi tỷ lệ này tăng thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu cà phê cũng tăng theo.
Năm 2022, giá cà phê xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng lên cùng với đó là xuất khẩu cà phê chế biến sâu tăng đạt trên dưới 15% tổng lượng xuất khẩu cả nước, Vicofa đang cố gắng đưa tỷ lệ này tăng lên từ 17% - 20% trong năm 2023.
“Năm nay các điều kiện khách quan như lạm phát, nhu cầu tại các thị trường lớn giảm, nhất là thị trường châu Âu còn khá bấp bênh, và tình hình thị trường cà phê thế giới phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khách quan vì vậy rất khó đặt mục tiêu là năm sau phải cao hơn năm trước. Do vậy trong năm 2023 ngành cà phê cố gắng duy trì đạt được 4 tỷ USD như năm 2022 là mừng rồi, còn tăng bao nhiêu thì tùy thuộc vào tình hình khách quan.
Thời gian qua ngành cà phê cũng phải mạnh dạn tăng cường chế biến sâu và tăng tiêu thụ nội địa đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến sâu tăng lên, nếu chế biến sâu tăng lên từ 17% -20%, khi đó xuất khẩu cà phê có thể đạt 4,1 đến 4,2 tỷ USD”, Chủ tịch Vicofa nói.