Ngành nông nghiệp Việt Nam xác lập nhiều kỷ lục trong năm 2022
Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt những kết quả đạt được những dấu ấn nổi bật sau một năm đầy biến động, có thể tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, tiềm năng của ngành đối với kinh tế đất nước và góp phần tham gia ổn định xã hội và sinh kế của người dân. Nhịp sống doanh nghiệp xin ghi nhận 10 dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm 2022.
1. Đạt mức tăng trưởng kỷ lục
Năm 2022, cả nước đã trải qua những thách thức toàn cầu, như các vấn đề về an ninh lương thực, lạm phát, sản xuất và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp trong nước vẫn ở mức cao, các nước nhập khẩu vẫn đang thắt chặt chi tiêu do lạm phát.
Song, nông nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định vị thế là “trụ đỡ” nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 55 tỷ USD, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch chính phủ giao 4 tỷ USD. Hiện có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD, gồm: Gạo, cà phê, cao su, điều, rau quả, tôm, cá tra và sản phẩm gỗ.
Đây là mức tăng trưởng kim ngạch kỷ lục trong suốt chiều dài phát triển ngành nông nghiệp.
“Những con số tăng trưởng và sự đóng góp của khu vực nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế đất nước cho thấy những nỗ lực chung của ngành nông nghiệp và sự tham gia của hàng chục triệu nông dân, sự mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
2. Ngành gạo lập kỷ lục về khối lượng xuất khẩu 7,2 triệu tấn
Không một ai dù lạc quan lắm cũng không nghĩ rằng xuất khẩu gạo năm 2022 sẽ đạt trên 7 triệu tấn, tăng từ 500 ngàn đến 700 ngàn tấn so với năm 2021. Đây là khối lượng gạo xuất khẩu rất ấn tượng trong năm nay và lập lại mức xuất khẩu kỷ lục 7,72 triệu tấn của năm 2012. Điều này đã tạo cho mọi người một bất ngờ thú vị!
Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group lại cho rằng năm nay ngành gạo thành công về khối lượng xuất khẩu nhưng hiệu quả chưa cao, vì chi phí sản xuất tăng cao đã đẩy chi phí giá thành sản phẩm khá đắt đỏ, dẫn đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp không nhiều.
Vào các cuối năm có nhiều khách hàng hỏi mua nhưng lượng lúa gạo hàng hóa đã cạn nên các doanh nghiệp không thể ký bán, do trước đó rất nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán khi giá gạo còn thấp, đến khi giá gạo xuất khẩu tăng và có nhiều người hỏi mua thì nguồn hàng đã cạn khiến thị trường gạo nội địa có nhiều biến động.
3. Lần đầu tiên xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính bậc nhất
Ngày 2/9, lần đầu tiên gạo ST25 thương hiệu A An của Tập đoàn tân Long được sử dụng trong thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Nhờ vậy, gạo A An ST25 đã nhanh chóng trở thành “bữa trưa đặc biệt” của các quan chức trong Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Trong tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin, gạo thơm ST25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Sau hơn 1 năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã thành công trong việc đưa gạo ST25 thương hiệu A An tới người tiêu dùng tại Nhật Bản. Từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên.
Như vậy, việc xuất khẩu thành công gạo ST25 thương hiệu A An sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, một thương hiệu khác cũng chủ động và tự tin của gạo Việt Nam tiến vào gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp...
Tháng 9/2022, Lộc Trời trở thành doanh nghiệp tiên phong chủ động và tự tin bước vào “sân chơi quốc tế”, bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn – Cơm Việt Nam Rice - vào Carrefour và Leclerc – 2 hệ thống phân phối hàng đầu với gần 800 đại siêu thị, và hơn 3.000 siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp thuộc hệ thống phân phối Carrefour và E.Leclerc.
4. Nhiều nước rộng cửa đón trái cây Việt Nam
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong năm 2022, các thị trường mở cửa đón các loại trái cây Việt Nam, như:
Sầu riêng, chuối, khoai lang được ký Nghị Định Thư với Trung Quốc - chanh leo được xuất khẩu thí điểm sang Quảng Tây (Trung Quốc). Bưởi xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Nhãn xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Chanh ta và Bưởi xuất khẩu đi thị trường New Zealand
Trước đấy có 11 loại trái cây của Việt Nam hiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: Vải thiều, nhãn, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, chuối, mít, xoài, măng cụt và sầu riêng, chanh leo.
Từ ngày 10/11/2022, có thêm tổ yến, khoai lang được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy Việt Nam đang có 13 loại nông sản xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam và Trung Quốc chỉ mới ký kết 4 Nghị Định Thư về bảo vệ thực vật với Trung Quốc gồm măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.
Đến nay Việt Nam đã 6 loại trái cây tươi chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Bưởi da xanh là loại trái cây thứ 7 vừa được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
5: Kinh nghiệm "xương máu": Vụ lừa đảo rất lớn trong lịch sử ngành hàng điều
Ngoài 5 doanh nghiệp bị lừa xuất khẩu 74 container hạt điều hồi đầu năm trị giá hàng chục triệu USD tại Ý, còn có 2 công ty trong nước khác đã ký hợp đồng với bọn lừa đảo nhưng chưa chuyển hàng vì được ngăn chặn kịp thời. Đây là vụ lừa đảo rất lớn trong lịch sử ngành hàng điều, và chưa bao giờ doanh nghiệp trong nước bị lừa nhiều như thế.
Ông Đặng Hoàng Giang – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, vấn đề trung gian, môi giới là tốt đối với ngành điều, kể cả các mặt hàng khác như rau củ quả nếu thiếu mắt xích trung gian thì lượng tiêu thụ sẽ gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển của ngành hàng, và theo kinh nghiệm ngành điều thì đây là một trong những thuận lợi. Tuy nhiên đến thời điểm này cần phải nhận xét lại về vấn đề trung gian.
Việc các container hạt điều xuất khẩu bị lừa qua thị trường Ý có liên quan đến vấn đề môi giới trung gian, vì hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất phát điểm từ những người buôn bán nhỏ đi lên, thậm chí một số cơ sở chế biến, nhà máy chế biến không có bộ phận xuất nhập khẩu chuyên nghiệp nên phải thông qua lực lượng môi giới trung gian.
Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp quá tin vào môi giới trung gian nên không thẩm định kiểm tra danh tính của khách hàng. Bên cạnh đó những thông tin chính thức về khách hàng doanh nghiệp cũng không cập nhật,
Chính vì vậy, gặp môi giới tốt thì không có sao nếu gặp môi giới không đàng hoàng thậm chí môi giới không có trình độ, không có kinh nghiệm mà doanh nghiệp lại phụ thuộc vào họ để môi giới cho một lô hàng trị giá hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ đồng thì vấn đề sẽ xảy ra.
6. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mốc 11 tỷ USD
Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và phát triển ấn tượng, mặc dù chưa đến cuối năm nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã cán mốc 10 tỷ USD tăng gần 34% so với năm 2021, hoàn thành sớm mục tiêu đề ra cho năm 2022.
Nhìn lại chặng đường 22 năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chinh phục thị trường thế giới từ con số 1 tỷ USD năm 2000 đến con số trên 10 tỷ USD vào tháng 11/2022, Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 10 tỷ USD đã góp phần đưa ngành thủy sản trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Ước cuối năm chạm mốc 11 tỷ USD.
Ngành thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD năm 2022, ngoài những nỗ lực không ngừng của cộng đồng Doanh nghiệp, thì thành tích này có được là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT và các cơ quan Bộ ngành trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp kịp thời.
“Nhìn chung, nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và theo đuổi mục tiêu phục hồi kinh tế nhanh chóng của chính phủ đã giúp ổn định sản xuất trong 6 tháng đầu năm. Cùng với đó là sự kiên trì vượt qua thách thức, kịp thời gia tăng hoạt động thị trường của các doanh nghiệp sau dịch đã giúp ngành thủy sản phục hồi rất sớm và có được doanh số xuất khẩu cao như vậy”, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói.
7. Cá tra là 1 trong các mặt chính đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản
Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh 63,6% đạt gần 2,3 tỷ USD, bằng với mức kỷ lục năm 2018. Ước năm nay xuất khẩu cá tra năm nay trên dưới 2,45 tỷ USD, tăng 59,09% so với năm 2021 tương đương 800.000 USD.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho biết, tăng trưởng xuất khẩu cá tra tăng lên mạnh mẽ trong giai đoạn 6 tháng đầu năm và phần nhiều đến từ yếu tố giá, mặc dù không loại trừ yếu tố khi lạm phát tăng cao người tiêu dùng có xu hướng chọn các sản phẩm có giá cả thích hợp.
“Doanh số xuất khẩu cá tra tăng mạnh là nhờ các thị trường ồ ạt tăng nhập khẩu, ví dụ như thị trường Mỹ trong giai đoạn đầu năm họ nhập khẩu rất mạnh, có thể do họ dự báo về tình hình tiêu thụ hoặc các vấn đề liên quan đến vốn... nhờ vậy đã thúc đẩy tăng doanh cá tra mạnh hơn. Trong giai đoạn đó thị trường Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam. Từ đó làm cho doanh số chung của cá tra tăng lên mạnh mẽ”, Tổng thư ký VASEP nói.
8. Xuất khẩu hồ tiêu quay lại nhóm ngành hàng tỷ đô sau thời gian dài vắng bóng
Từ sau năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu nước ta liên tục tụt dốc một cách thảm hại, dù sản lượng liên tục tăng. Năm 2017 là 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần so với năm 2021, đạt 288.000 tấn.
9. Ngành gỗ vượt khó về đích ngoạn mục
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới và đứng thứ 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ và là 1 trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Từ tháng 5/2022, xuất khẩu gỗ đã có dấu hiệu giảm tốc 3 quý đầu năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ và Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Sang quý 4/2022, do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp tại TP,HCM, Bình Dương, Đồng Nai chỉ hoạt động 1/2 công suất, phải bố trí cho công nhân làm việc luân phiên, không tổ chức tăng ca.
Trong tình hình đó nhiều người đã nghĩ đến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 sẽ không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có cái kết có hậu đạt 15 tỷ USD và tăng từ 7% - 8%.
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, ngành gỗ có khoảng 60% - 65% xuất đi thị trường Mỹ, 50% xuất đi châu Âu còn lại khoảng 25% đi khu vực Đông Bắc Á gồm các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm nay xuất khẩu gỗ ước đạt hơn 15 tỷ USD, tăng từ 7% - 8% so với năm 2021. Số tăng này rơi vào giai đoạn đầu năm, vì giai đoạn cuối năm cũng như tất cả những ngành hàng khác kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đã bị sụt giảm. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh dù chi phí logistic đã tốt hơn rất nhiều nhưng do nhu cầu của thế giới giảm sâu.
10. Thay đổi toàn bộ cơ cấu ngành chăn nuôi
Năm 2022 là năm bị thử thách rất lớn đối với ngành chăn nuôi có 2 thay đổi lớn làm thay đổi toàn bộ cơ cấu ngành chăn nuôi.
Thứ nhất, trước đại dịch COVID-19 chăn nuôi hộ chiếm từ 70% - 80% lượng cung heo hơi ra thị trường, nhưng nay thì tỷ lệ này đã được hoán đổi các công ty chăn nuôi đang chiếm lĩnh từ 70% - 80% số còn lại là hộ nông dân.
Thứ hai, người tiêu dùng có thói quen sử dụng thịt nóng nhưng hiện nay thói quen này đã thay đổi, và đây là cơ hội rất lớn để cho các thương hiệu thịt mát tham gia thị trường. Ngoài các thương hiệu thịt mát đang có mặt trên thị trường trong năm 2022 có thêm 2 thương hiệu “Heo ăn chuối” và “Heo ăn chay” tham gia thị trường thịt mát giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.