Nhà đầu tư châu Âu liệu có thực sự cần nhân lực giá rẻ, như tại Việt Nam?
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA”.
Thông tin đưa ra tại sự kiện cho rằng, mặc dù là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng những năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Việt Nam vẫn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Nguyên nhân nào đằng sau điều này và Việt Nam cần cải thiện những gì là những vấn đề đã được các diễn giả phân tích tại hội thảo.
Nhà đầu tư châu Âu không thực sự quan tâm đến nhân lực giá rẻ
Bà Hoàng Hồng Vân, Trưởng phòng Đối ngoại, Phòng Thương mại châu Âu chia sẻ thông tin cho thấy niềm tin của nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đã giảm hai kỳ liên tiếp, đến cuối quý này giảm hơn 6 điểm so với quý trước và giảm 10 điểm so với quý 1/2022.
Dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng 13,67% tuy nhiên Việt Nam lại vẫn đang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chính vì vậy doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam không khỏi chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều diễn biến bất lợi ở bên ngoài. Tuy nhiên khi được hỏi về việc có tự tin tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hay không, gần 50% doanh nghiệp trong tổng số gần 1.200 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn trả lời có, bà Vân chia sẻ.
Trong suốt thời kỳ đại dịch, các chỉ số nói trên đều thấp hơn hiện tại rất nhiều, như vậy vẫn có thể khẳng định rằng hiệp hội doanh nghiệp châu Âu vẫn đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình quản lý về mặt kinh tế và xã hội, ví như Việt Nam vừa rồi đã kiểm soát rất tốt lạm phát, đúng theo kỳ vọng của các doanh nghiệp châu Âu, bà Vân chỉ ra.
Từ góc độ của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, nếu nói đến những yếu tố cần cải thiện, thứ nhất về mặt thủ tục hành chính, dù rằng Việt Nam đã trải thảm đỏ chào đón nhà đầu tư, thế nhưng đến lúc thực thi thì còn gặp rất nhiều vấn đề. Trong cuộc gặp vừa rồi giữa đại diện doanh nghiệp châu Âu với chính quyền các tỉnh cả miền Nam và miền Bắc thì vấn đề này cũng đã được nêu lên. Nhà đầu tư cũng đồng cảm với chính phủ rằng chính phủ cũng đã rất tạo điều kiện nhưng khi về tới địa phương thì lại có quá nhiều điều kiện khác nhau làm ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt và khiến doanh nghiệp khó hiểu về chính sách của từng địa phương.
Cũng theo bà Vân, chi phí logistics thực sự là một vấn đề lớn mà Việt Nam đang đương đầu. Việt Nam đã phát triển hạ tầng rất tốt, tuy nhiên chi phí vận tải còn rất cao. Một ví dụ nhỏ nhưng rất đáng lưu tâm đó là chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM ra Hà Nội tương đương với chi phí từ Singapore về EU, thực tế này giải thích tại sao nhà đầu tư rót tiền vào Singapore hoặc một số nước ASEAN khác nhiều hơn Việt Nam là bởi vì khi đặt lên bàn cân của doanh nghiệp thì họ cũng phải tính toán đến chi phí logistics ảnh hưởng rất lớn đến chi phí kinh doanh.
Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp châu Âu không quá quan tâm về nhân lực giá rẻ mà họ đặt sự quan tâm vào nguồn nhân lực chất lượng có kỹ năng trình độ tay nghề cao mà Việt Nam chưa có, bà Vân chỉ ra
Ngoài ra, đại dịch cũng đã làm thay đổi sự phân bổ nhân lực tại Việt Nam. Trong đại dịch vừa qua, đã có một sự dịch chuyển rất lớn lao động có tay nghề từ Nam ra Bắc. Ví dụ như trong 2 năm đại dịch, 75.000 nghìn người lao động có tay nghề đã chuyển từ miền Nam quay trở lại một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, nhưng khi mà đại dịch đã kết thúc, mới chỉ hơn 30.000 quay trở lại miền Nam.
Nguyên tắc chọn – cho cản trở đầu tư của EU vào Việt Nam
Ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc Gia cho rằng, có thể phía Việt Nam đã kỳ vọng quá cao về đầu tư EU vào Việt Nam: “Người ta vẫn nhắc đi nhắc lại về việc FDI từ châu Âu vào Việt Nam gây thất vọng suốt 20 năm qua, tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng châu Âu bao gồm rất nhiều nước khác nhau và riêng đầu tư của EU sang Việt Nam tại sao chưa đạt kỳ vọng thì bản thân tôi cũng băn khoăn. EVFTA trước dịch COVID-19 và sau này thì chúng tôi cũng đều rất băn khoăn, liệu chúng ta kỳ vọng như vậy có hợp lý hay không.
Theo lối suy nghĩ thông thường, người ta thường nghĩ rằng khi tham gia vào EVFTA thì những nước kém phát triển hơn sẽ có cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng lao động vào nhóm nước có trình độ phát triển cao hơn, đấy là quy tắc chung của hiệp định. Điều đấy là đúng nếu người ta nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang EU, thực tế tạm thời đã đi theo lý thuyết”.
Tuy nhiên với hiệp định về đầu tư, trước đây Việt Nam đã ký kết 22 Hiệp định Hợp tác Đầu tư (EPA) với từng nước của EU và sau này, lần đầu tiên các bên gộp tất cả vào trong một hiệp định chung và khi mà gần đến lúc công bố hiệp định chung đó, thì các bên lại tách nó thành Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Sự tách ra này chỉ mang tính kỹ thuật bởi phần về đầu tư có thể cần các quốc gia phê chuẩn khá lâu nên tách ra riêng để thực hiện trước.
Ông Thắng phân tích hoạt động đầu tư lại bị ràng buộc bởi nguyên tắc chọn – cho, tức là: “Tôi cho đầu tư vào lĩnh vực này và anh chỉ được làm như vậy”. Xét về đầu tư, Việt Nam có độ mở nhất định trong lĩnh vực dịch vụ, ví dụ như dịch vụ tài chính, bảo hiểm hay mở cửa một số mảng về vận tải, tiền, tuy nhiên cách tiếp cận về đầu tư cũng chưa có gì mới. Ông Thắng tin rằng đây thực sự là điều mà Việt Nam cũng cần phải xem xét lại.
Ngoài ra ông Thắng cũng cho rằng cần phải nói đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ các nước, đây là điểm mới đối với Việt Nam chứ không mới với các nước, thách thức này tương đối lớn đối với Việt Nam. Nó đến từ việc Việt Nam cần cải thiện cơ chế pháp lý, chất lượng các trọng tài viên để có thể ngồi vào các hội đồng trọng tài để đảm bảo cho chất lượng pháp lý cho nhà đầu tư.