25 dự án nhà máy điện mặt trời đã có chủ trương đầu tư |
36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Các nhà đầu tư trình bày, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là 4.676,62 MW (trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 491,82MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch (dự án chuyển tiếp).
Việc chậm tiến độ làm cho các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) như được Quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TT về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và Quyết định số 13/2020/QĐ- TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.
Văn bản kiến nghị của 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió. |
Đặc biệt là nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động. Các nhà đầu tư đã phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới.
Sau thời gian dài chờ đợi, các chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2022 /TT-BCT ngày 3/10/2022 quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19/1/2023 về bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư 02 và Thông tư 18 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió, điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu.
Tuy nhiên, Quyết định 21 đã khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản. Đồng thời, cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển năng lượng sạch; cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính – ngân hàng.
Các nhà đầu tư cho rằng, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.
Về lâu dài, cơ chế giá không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án năng lượng, dẫn tới không đảm bảo an ninh năng lượng, không thực hiện được các chính sách và cam kết về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ, đồng thời làm suy giảm cơ hội tạo chuỗi cung ứng nội địa và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Các nhà đầu tư cũng trình bày về các điểm chưa phù hợp trong việc ban hành cơ chế giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp. Cụ thể, đối với Quyết định 21, về mặt thủ tục, có nhiều điểm chưa phù hợp trong việc tính toán, trình và lấy ý kiến các bên liên quan. Đặc biệt, việc giao cho EVN/EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, phương pháp tính toán của EVN có nhiều điểm chưa phù hợp sử dụng tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm 10% chi phí dự phòng để tính khung giá điện; biện giải các giá trị trung bình năm bình quân của các nhà máy điện mặt trời dựa trên khu vực có cường độ bức xạ cao nhất...
Hậu quả là kết quả tính toán giá phát điện đề xuất của EVN không bảo đảm được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế (IRR) đạt 12% cho nhà đầu tư tại Thông Tư 15 và mối tương quan giữa giá phát điện của các dự án điện gió và thực tế giá bán lẻ điện bình quân của EVN gần đây đã tăng lên.
Với Thông tư 01, các nhà đầu tư cho rằng thông tư này đã bãi bỏ ba nội dung quan trọng tại Thông tư 18/2020/TT-BCT và Thông tư 02/2019/TT-BCT ở 3 nội dung lớn.
Đó là bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD và bãi bỏ điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận.
Cùng với một khung giá điện bất hợp lý của Quyết Định 21, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo Thông Tư 01 sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro của dự án.
Từ đó, các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và ban hành mức khung giá phát điện mới với các điểm chính. Tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đề xuất và ban hành khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp; Thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu về tham vấn với Hội đồng Tư vấn và Bộ Tài Chính nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch và khắc phục những điểm chưa phù hợp.
Đồng thời, các nhà đầu tư đã thực hiện tính toán và đưa ra phương án kiến nghị khung giá phát điện dựa theo mức IRR đạt 12% theo đúng quy định tại Khoản 4, Điều 5 của Thông Tư 15. Bên cạnh đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành các thông tư mới về các hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió chuyển tiếp và các dự án điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó, các hợp đồng mẫu này cần giữ lại các chính sách khuyến khích cho nặng lượng tái tạo như thời hạn áp dụng giá mua điện cho dự án chuyển tiếp là 20 năm. Cho phép chuyển đổi giá sang tiền USD và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD hoặc có quy định về tỷ lệ lạm phát/trượt giá trong giá phát điện.
Cuối cùng, nhà đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và khẳng định rằng những nội dung trên được dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế, thông qua nhiều cuộc thảo luận, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong ngành và thực tiễn thực hiện của nhiều quốc gia trong khu vực, cũng như trên thế giới.
Theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp đối với điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh.
Theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp đối với điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh; điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh. |
Dự án điện gió, điện mặt trời: Cần "đại phẫu" |