Nhiều động lực chính chậm lại, kinh tế Việt Nam có giữ được đà tăng trưởng năm tới?
Dù khẳng định mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 8%, song để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đề ra trong năm 2023 không hề đơn giản, đặt trong bối cảnh kinh thế giới nhiều biến động và khó có thể dự đoán, trong nước cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Những khó khăn bắt đầu lộ rõ
Ông Ngô Ngọc Khánh, Phó chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) cho biết, do thị trường thế giới có nhiều bất ổn như cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc vẫn tiếp tục thắt chặt khiến các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đối mặt với nhiều khó khăn.
“Trong khi những đơn hàng cũ chỉ còn 1-2 tháng nữa là hết, thì những đơn hàng mới lại yêu cầu những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới. Nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi”, ông Ngô Ngọc Khánh quan ngại.
Phó chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn. Nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.
“Có những doanh nghiệp trước đây có cả trăm công nhân, nay đã phải cắt giảm chỉ còn khoảng 25 công nhân”, ông Ngô Ngọc Khánh chia sẻ.
Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 11/2022.
“Nếu như tháng 10/2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn còn tăng 3% so với tháng trước, thì đến tháng 11 chỉ còn tăng 0,3%. Nguyên nhân chính là đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu”, ông Trần Toàn Thắng nêu rõ.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cũng nằm trong bối cảnh tương tự, dù 11 tháng đầu năm vẫn tăng 13,4%, nhưng tháng 11 chỉ đạt 29,18 tỷ USD, giảm gần 4% so với tháng trước. Xuất khẩu giảm có nguyên nhân là cầu tiêu dùng của người dân tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bị giảm mạnh do kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng.
“Mọi năm, bước vào quý 4, doanh nghiệp nào cũng kêu thiếu lao động. Nhưng năm nay, xuất hiện tình trạng sa thải lao động, giãn việc, lao động chỉ được làm việc “8 giờ vàng ngọc” thay vì tăng ca, làm thêm, do doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, đơn hàng cũ đã hoàn thành.
Đây là vấn đề rất lớn, người lao động được “nghỉ Tết” từ tháng 11 do không có việc làm không chỉ là an sinh xã hội, mà ảnh hưởng đến việc phục hồi, phát triển kinh tế của năm tới”, ông Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.
Nền tảng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023?
Dù khẳng định mức tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam năm 2022 ở mức 8%, song ông Trần Toàn Thắng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đề ra là không hề đơn giản đặt trong bối cảnh kinh thế giới nhiều biến động và khó có thể dự đoán, trong nước cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Do còn nhiều khó khăn, áp lực lớn, đặc biệt từ bên ngoài, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng giảm về lượng và giá trị. Vì vậy, xuất khẩu có thể trở thành động lực của năm 2023 không thì vẫn là điều chưa chắc chắn.
Cùng với đó, từ đầu năm Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã định hướng giữ lãi suất thấp cho doanh nghiệp, nhưng đến thời điểm nay lãi suất tăng rất nhanh đã trở thành sức ép cực kỳ lớn đối với chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phục hồi của doanh nghiệp năm 2023”, ông Trần Toàn Thắng lưu ý.
Đồng tình với quan điểm này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tính riêng trong tháng 11, trước áp lực rất lớn của bối cảnh biến động phức tạp, khó lường của thế giới, gây thêm khó khăn đối với tình hình trong nước, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội, lĩnh vực, thị trường có dấu hiệu chững lại hoặc giảm so với tháng trước, mặc dù tính chung cả 11 tháng vẫn duy trì ở mức tích cực.
“Xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch trong nước đã và đang bị ảnh hưởng tương đối lớn từ bên ngoài. Điều này chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế tăng chậm lại trong thời gian tới”, ông Cấn Văn Lực quan ngại.
Tuy vậy, Chính phủ cùng các Bộ ngành và địa phương đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong điều hành từ năm 2022. Đây là nền tảng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã được đề ra.
Phân tích cụ thể, ông Lực cho rằng, các chính sách tiều tệ và tài khóa về cơ bản là đang đi đúng hướng song cần phải làm quyết liệt hơn và đúng thời điểm hơn.
“Chương trình phục hồi kinh tế vẫn chậm, thể chế về phát triển kinh tế số và cải cách vẫn chậm, xử lý vấn đề vướng mắc chưa kịp thời, về phối kết hợp các bộ ngành còn trục trặc như việc điều hành xăng dầu đáng ra có thể xử lý tốt hơn nhiều”, ông Lực nêu rõ.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng không nên chủ quan, tiếp tục kiểm soát tốt giá xăng dầu, giá lương thực thực và kiểm soát thị trường khác như trái phiếu, chứng khoán, vàng, và ngoại hối để ổn định hơn để người dân doanh nghiệp yên tâm, tăng niềm tin để phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Về dài hạn, ông Cấn Văn Lực đề ra 4 giải pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Thứ nhất, làm thế nào để tăng năng suất lao động, bởi 3 năm qua năng suất lao động của Việt Nam đang trên đà giảm.
Thứ 2, cần tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, đặc biệt là chất lượng làm luật, phối hợp chính sách và thực thi.
Thứ 3, cần phải đẩy mạnh hơn phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đây là xu hướng - xu thế quan trọng và là chất xúc tác để giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng và chống chịu cao.
Thứ 4, cần nhiều chính sách và giải pháp để nâng cao tính độc lập, tự chủ tự cường gắn với hội nhập kinh tế và đồng thời tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong nước trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro bất định.