Theo Wall Street Journal, các số liệu độc lập cho thấy rằng số lượng đơn hàng mới giảm, doanh số bán lẻ đi xuống trong tháng vừa qua, triển vọng tăng trưởng kinh tế của một trong những cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giới xấu đi, thiệt hại kinh tế từ việc căng thẳng Nga – Ukraine leo thang lớn dần.
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Đức chịu tác động nặng nề từ việc giá năng lượng leo thang, cùng lúc đó tiêu thụ khí đốt của các hộ gia đình tăng đáng kể trong những tuần gần đây.
Chi phí của các doanh nghiệp sản xuất tăng cao đến đâu còn tùy thuộc vào các biện pháp của chính phủ liên quan đến việc hạn chế chi phí năng lượng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vào cuối tháng trước, chính phủ Đức đã thông báo về các biện pháp này thế nhưng cho đến nay chưa hề có chi tiết.
Theo NyTimes, tình trạng này không chỉ diễn ra tại Đức mà còn trên khắp châu Âu, “số phận” của kinh tế khu vực chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung khí đốt từ Nga cũng như khả năng của khu vực trong việc thu xếp nguồn năng lượng.
Cựu chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và giờ đây là nghiên cứu viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, ông Olivier Blanchard, phân tích: “Tình hình kinh tế khu vực hiện nay chịu ảnh hưởng bởi việc điều gì sẽ xảy ra với nguồn cung khí đốt và phản ứng chính sách với nguồn cung khí đốt. Sự bất ổn đã dâng lên rất cao”.
Khi mà dự trữ khí đốt tại Đức hiện đã đầy được 92%, theo số liệu thống kê của chính phủ Đức vào tuần này, rất ít người cho rằng Đức sẽ có thể hết khí đốt trong mùa đông năm nay, tuy nhiên chắc chắn rằng giá sẽ rất cao trong thời gian dài và nguồn cung cho mùa đông tiếp theo không được đảm bảo.
Số liệu thống kê của Đức vào ngày thứ Sáu cho thấy sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 thấp hơn 0,8% so với tháng 7/2022 và giảm 2,9% so với tháng 2/2022 khi căng thẳng Nga – Ukraine bắt đầu. Sản xuất giữ vai trò quan trọng trong kinh tế Đức cao hơn bất kỳ nền kinh tế dịch vụ hay tiêu dùng nào.
Từ khi căng thẳng Nga – Ukraine tăng cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng nguồn dự trữ khí đốt như một đối trọng để gây tổn hại đến sự ủng hộ của châu Âu với Ukraine. Trong tháng 9/2022, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt thông qua hệ thống đường ống khí đốt.
Trong tuần trước, tình trạng rò rỉ khí đốt từ đường ống và việc hệ thống đường ống kép bị đóng cửa sau các vụ phá hoại đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về hạ tầng năng lượng châu Âu.
Trong thông báo vào ngày thứ Năm, cơ quan thống kê Đức công bố số lượng đơn hàng mới của trong tháng 8/2022 giảm 2,4% so với tháng 7/2022.
Tại Pháp, ngược lại, sản lượng các nhà máy tăng thêm 2,7% sau khi giảm trong tháng 7/2022, thực tế này phản ánh việc hoạt động sản xuất ô tô phục hồi khi mà tình trạng thiếu các sản phẩm bán dẫn và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác hạ nhiệt. Chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực đồng tiền chung châu Âu đã hạn chế giá năng lượng áp dụng với nhiều ngành nghề kinh doanh tính từ những tháng đầu của căng thẳng, vào tháng trước, đồng thời cũng thông báo về chính sách hỗ trợ bổ sung.