Sẽ tiếp tục thanh tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024
Ngân hàng không được gây áp lực KPI với nhân viên về bán bảo hiểm |
Ảnh minh hoạ. |
Đến đầu tháng 1/2024, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Về kế hoạch thanh tra năm 2024, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Doãn Thanh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo kế hoạch được thông qua.
Liên quan tới việc thực hiện kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas mà Bộ Tài chính công bố ngày 30/6/2023, ông Tuấn thông tin thêm, cơ bản các doanh nghiệp chấp hành.
Cụ thể, với kiến nghị về chuyên môn, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chấp hành. Với phần kiến nghị về tài chính, đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm đang phối hợp với cơ quan thuế thực hiện.
Trước đó, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng còn nhiều sai phạm. Đặc biệt, khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới sai phạm nhiều nhất. Một số hành vi vi phạm điển hình như: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp,...
Ngân hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng máy tính bảng, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp như: tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ, ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm...
Năm 2023, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt tình trạng số người mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng tăng cao. Nửa đầu năm 2023, Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam chi trả hơn 1.500 tỉ đồng tiền hủy hợp đồng bảo hiểm, tăng hơn 280% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí chi bồi thường này cao hơn nhiều so với các khoản như: bảo tức, quyền lợi tiền mặt và lãi phân bổ cho chủ hợp đồng, bồi thường nằm viện và chi phí thuốc men, bồi thường tử vong, đáo hạn hợp đồng... Báo cáo tài chính bán niên 2023 của Công ty bảo hiểm General cũng cho thấy, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm lũy kế đến cuối quý II/2023 ở mức hơn 555 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối quý II cùng kỳ. Trong đó, bồi thường nằm viện và chi phí thuốc men chiếm 220 tỷ đồng, việc hủy bỏ hợp đồng chiếm gần 154 tỷ đồng. Chi phí bồi thường khác chỉ từ vài tỷ đồng đến cao nhất 73 tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. |
2023: BIC tăng trưởng cao nhất trong Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam Ngày 17/1/2024, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai kế ... |