"Sẽ tính toán các chi phí liên quan đến xăng dầu vào kỳ điều hành 21/11"
“Do tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội”.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Hội nghị Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 15/11 về hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Chi phí chưa được tính đúng, tính đủ
Về nguyên nhân khách quan, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường (giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 57- 85% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục với biên độ lớn. Trong khi đó, từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường), nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao (trong quý 2), từ quý 3 giá lại giảm liên tục.
"Do thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thêm nữa, tỷ giá USD/VND tăng cao dẫn đến chi phí kinh doanh xăng dầu tăng theo làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, vì vậy làm chậm nguồn cung ứng xăng dầu trong một số thời điểm.
Về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng liên tục và tăng cao nhưng những chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ khi tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập xăng, dầu để cung ứng cho thị trường trong nước.
Trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng thì nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng (các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay tiền tại các tổ chức tín dụng).
Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời gian 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu tại một số địa bàn. Có doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan (áp dụng từ 1/7/2022).
Cần phối hợp tích cực giữa các bộ ngành, địa phương
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, do tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát, điều hành quyết liệt và đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định”.
Bộ Công Thương cũng đang tích cực cùng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của Luật dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát cụ thể vướng mắc của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để xử lý, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công Thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí để thông tin tuyên truyền có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện về tổng thể thị trường xăng dầu trong nước và thế giới trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay, ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận. Các Bộ: Công Thương, Tài chính chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.
Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.
Các Bộ: Công Thương, Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thủ trưởng các cơ quan chức năng liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.