Agribank đưa vốn rẻ chảy vào sản xuất |
Thông qua tổ vay vốn và tiết kiệm, người dân đã kịp thời tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Agribank để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả |
Thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 55/NĐ-CP giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận liên ngành giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Hội Nông dân Việt Nam (HND), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPN) đang tiếp tục duy trì hoạt động của tổ vay vốn ổn định phù hợp với môi trường hoạt động kinh doanh trong từng vùng, miền và định hướng phát triển hoạt động tín dụng, sản phẩm dịch vụ thanh toán của Agribank cũng như nhằm tạo kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả đến với khách hàng.
Tổ vay vốn thực sự đã trở thành cầu nối giữa Agribank với khách hàng, góp phần thúc đẩy chuyển tải dòng vốn ưu đãi từ ngân hàng đến tận tay khách hàng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất. Đến 31/12/2023, Agribank, HND, HLHPN đang phối hợp quản lý, tổ chức hoạt động triển khai cho vay qua tổ vay vốn mạnh mẽ với hơn 63.000 tổ vay vốn (hơn 1,2 triệu thành viên), dư nợ cho vay đạt hơn 206.000 tỷ đồng tại nhiều khu vực trên cả nước.
Hoạt động cho vay qua tổ vay vốn đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu về nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; thông qua việc phối hợp quản lý các khoản vay giữa cán bộ ngân hàng với các Tổ trưởng tổ vay vốn, Agribank nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến sự an toàn của khoản vay, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, các rủi ro ảnh hưởng đến khoản vay,…
Ngoài ra, mô hình cho vay qua Tổ giúp cho các hộ gia đình, cá nhân tiếp cận vốn vay và được Agribank cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm một cách thuận lợi và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh ít có điều kiện đến giao dịch với ngân hàng; kết quả tích cực của công tác cho vay qua tổ đã đóng góp có hiệu quả trong việc phát huy vai trò của Agribank trong thực hiện chính sách “Tam nông”, góp phần phát triển tài chính vi mô đối với hộ gia đình trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Việc phát triển hoạt động cho vay qua tổ còn góp phần cải cách hành chính trong hoạt động ngân hàng, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, thông qua tổ vay vốn, khách hàng được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết thủ tục vay vốn, đảm bảo chấp hành quy định, quy trình nghiệp vụ cho vay của ngân hàng; bên cạnh đó việc giải ngân, thu nợ thông qua tổ vay vốn, tổ cho vay lưu động tại các điểm giao dịch tại các xã, thôn, bản, xóm, ấp đã góp phần tiết kiệm được chi phí đi lại của khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay và các dịch vụ ngân hàng thuận tiện, dễ dàng hơn.
Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng theo lịch cố định tại các điểm giao dịch tại các xã, thôn, bản, xóm, ấp. |
Hoạt động cho vay qua Tổ được Agribank tiếp tục triển khai mở rộng cả về chất lượng và quy mô, dư nợ tăng trưởng hàng năm, chất lượng tín dụng đảm bảo, tạo sự gắn kết giữa HND, HLHPN, Hội Cựu chiến binh, UBND, Đoàn thanh niên, Tổ dân phố, người dân, khách hàng với Agribank. Thông qua tổ vay vốn, Agribank đã cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ cho các thành viên của tổ gắn với mô hình ngân hàng số, áp dụng giao dịch cho vay, thu nợ tự động, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch điện tử để đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ sản phẩm đa dạng về tín dụng, thanh toán, bảo hiểm cho khách hàng hộ sản xuất và cá nhân thông qua các hoạt động nghiệp vụ của tổ vay vốn, đảm bảo hoạt động của tổ vay vốn được liên tục, có hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng vốn vay và các dịch vụ thanh toán của khách hàng gồm các sản phẩm dịch vụ: thanh toán chuyển tiền, thu hộ chi hộ, dịch vụ thẻ, mở tài khoản thanh toán, đăng ký SMS Banking, Agribank E-Mobile Banking, Agribank eBanking...
Agribank tiếp tục phát triển hoạt động cho vay qua tổ vay vốn giai đoạn 2024-2025: cho vay qua tổ vay vốn tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị sự nghiệp để cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống cá nhân, cho vay hộ gia đình và cá nhân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tăng mức cho vay tối đa đối với các thành viên tổ vay vốn có điều kiện kinh doanh tốt, có nguồn thu nhập ổn định trả nợ ngân hàng theo phương án/dự án vay vốn; nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục triển khai cung cấp sản phẩm tín dụng và các giao dịch thanh toán, dịch vụ liên kết ngân hàng - bảo hiểm cho khách hàng giao dịch qua các kênh điện tử.
Agribank là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Agribank luôn chiếm thị phần lớn trong hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 12,5%), đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong các năm qua luôn ở mức khoảng 60% - 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Agribank triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng ... |
Agribank mở đợt tuyển dụng nhân sự lớn nhất ngành ngân hàng từ đầu năm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây thông báo đợt tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí ... |
Agribank cùng Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp cung ứng vốn cho nền kinh tế Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt ... |