TP.HCM chỉ đạo liên quan việc thu hồi khu đất Thành Bưởi "hô biến" thành bến xe
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản 10907 ngày 9/12 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, UBND quận 10 về việc chấn chỉnh tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc.
Văn bản đề cập, UBND TP nhận được công văn 253 ngày 18/11 của Báo Giao thông về chấn chỉnh tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc. Về vấn đề này, lãnh đạo TP có một số ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận 10 khẩn trương rà soát, có ý kiến phản hồi về việc thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10.
Lãnh đạo TP giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, có ý kiến phản hồi về công tác chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn TP.
Trước đó, trong văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Báo Giao thông đề cập, qua phản án của bạn đọc, cơ quan này đã đi thực tế và điều tra về tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc diễn ra trên địa bàn nhiều quận, huyện ở TP.HCM. Thậm chí có doanh nghiệp là Công ty Thành Bưởi thuê khu đất số 419 Lê Hồng Phong, quận 10 để tập trung nhiều phương tiện chở hành khách đi tuyến TP.HCM - Đà Lạt. Các doanh nghiệp khác như Kim Hoàng, Thanh Thủy, Cúc Phương… tổ chức đón trả khách ngay giữa lòng đường, dù đường có biển cấm ô tô dừng đỗ. Điều này gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, cạnh tranh thiếu lành mạnh với các đơn vị vận tải hành khách ở các bến xe.
Để kịp thời thông tin tới bạn đọc, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị chức năng và các quận, huyện trong việc xử lý tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc đã tồn tại nhiều năm trong TP, Báo Giao thông đề nghị Chủ tịch UBND TP tạo điều kiện trả lời một số nội dung.
Thứ nhất, về việc thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10: đây là khu đất rộng hơn 11.000m2 thuộc sở hữu nhà nước, đã hết hạn cho thuê từ 31/12/2020. Ngày 28/5/2021, UBND TP đã có quyết định 1968 thu hồi khu đất này để xây trường học. Nhưng đến nay khu đất vẫn đang bị chiếm dụng, cho thuê lại trái phép.
“Vì sao TP vẫn chưa thu hồi khu đất này? 2 năm không thực hiện thu hồi vậy trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND quận 10 như thế nào trong việc chậm thu hồi và để xảy ra tình trạng cho thuê lại trái phép tại khu đất này? UBND TP có định yêu cầu cưỡng chế để thu hồi đất nhà nước theo quy định của pháp luật hay không?”, Báo Giao thông đặt câu hỏi với lãnh đạo TP.
Thứ hai, về tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc: ghi nhận thực tế cho thấy có tình trạng các nhà xe đăng ký hoạt động theo phương thức hợp đồng nhưng trá hình chở khách tuyến cố định, lập các điểm đón trả khách ở nội đô, ngay giữa lòng lề đường.
“TP có chỉ đạo gì để lập lại trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm tình trạng này?”, Báo Giao thông đề cập.
Cũng liên quan vấn đề này, từ 2016 đến 2020, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản, gần nhất là văn bản 4946 ngày 22/12/2020 của UBND TP về duy trì công tác kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn TP. Trong đó có nội dung “Giao Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu thường xuyên để xảy ra tình trạng phương tiện đón trả khách không đúng quy định trên địa bàn mình quản lý”. Nhưng mới đây Sở GTVT đã chỉ ra TP còn 67 điểm đón trả khách không đúng quy định. Vậy UBND TP xử lý trách nhiệm với vấn đề này như thế nào?
Liên quan tới khu đất 419 Lê Hồng Phong, như chúng tôi từng đề cập hồi tháng 1/2021 (tức trước thời điểm TP có quyết định thu hồi khu đất), khu đất này được CTCP Giày Sài Gòn (sau đổi tên thành CTCP Giáo dục G Sài Gòn - viết tắt SSF) thuê của Nhà nước năm 2000, diện tích đất khoảng 13.000 m2. Đến năm 2007, UBND TP chấp thuận cho công ty này tiếp tục sử dụng gần 11.000 m2 và đến hết năm 2020 là hết thời hạn thuê đất. Theo hợp đồng thuê đất, công ty phải quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Giá thuê là 100.000 đồng/m2/năm, tức 1,3 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cuối năm 2015, SSF đã ký hợp đồng cho thuê đất 5 năm với Công ty Thành Bưởi. Theo đó, SSF cho Thành Bưởi thuê lại khu đất với giá 440 triệu đồng/tháng, tức gần 5,3 tỷ đồng/năm. Phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng buộc SSF chấm dứt hợp đồng cho thuê với Thành Bưởi. Để lách luật, SSF đã chuyển hợp đồng cho thuê thành hợp đồng hợp tác kinh doanh với Thành Bưởi trên khu đất 419 Lê Hồng Phong, thời hạn từ ngày 1/7/2016 đến 30/6/2021. Thực chất là hợp đồng cho thuê nhà xưởng thu tiền hàng tháng. Tháng 6/2017, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã có quyết định xử phạt công ty này hơn 720 triệu đồng về hành vi tự ý cho đơn vị khác thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê trả tiền đất hàng năm. Cũng trong năm 2017, UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo SSF phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng 419 Lê Hồng Phong và phải sử dụng khu đất này đúng mục đích sản xuất, kinh doanh. Tháng 5/2019, Thường trực UBND TP đã kết luận, hiện quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận 10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là quỹ đất dành cho trường trung học cơ sở còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho các học sinh trên địa bàn quận 10 trong thời gian tới. Trong khi đó, khu đất số 419 Lê Hồng Phong đến hết năm 2020 là hết thời hạn thu đất, TP sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ diện tích khu đất cho UBND quận 10 để đầu tư xây dựng trường trung học cơ sở đạt chuẩn theo quy định. Theo đó, TP yêu cầu UBND quận 10 mời, làm việc với đơn vị thuê sử dụng khu đất, để thông báo cho đơn vị biết chủ trương của thành phố. Đến tháng 2/2020, TP đã có quyết định 490 điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với khu đất 419 Lê Hồng Phong chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất giáo dục (trường trung học cơ sở). Và đến 31/12/2020 thì hợp đồng Nhà nước cho SSF thuê đã hết hiệu lực. Theo đó, khu đất này phải được giao lại cho Nhà nước quản lý, tiến hành các thủ tục xây trường học như quy hoạch của TP. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, dù hết hạn thuê đất, tại khu đất 419 Lê Hồng Phong mọi hoạt động của doanh nghiệp Thành Bưởi vẫn diễn ra bình thường gồm kinh doanh vận tải hàng hóa, trung chuyển hành khách, cho thuê bãi đậu xe máy… Phía cổng 419 Lê Hồng Phong đóng, các hoạt động diễn ra ở phía cổng số 1 đường Vĩnh Viễn. |