Vì sao người lao động phía Nam không mặn mà xuất khẩu lao động dù lương cao?
Người lao động phía Nam không mặn mà xuất khẩu lao động dù lương cao (Ảnh minh họa). |
Vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động (NLĐ) các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận”.
Theo Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, từ khi thành lập (năm 2004) đến nay, Trung tâm đã đưa được hơn 133.000 lượt NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình đi Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan, Đức...
Theo ông Hồng, các tỉnh phía Nam (23 tỉnh/thành) có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn. Tuy nhiên, NLĐ của các địa phương tham gia các chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; kết quả không đồng đều. Số lượng NLĐ đi lao động ở nước ngoài của 23 tỉnh/thành phía Nam chỉ chiếm 10% cả nước.
Cùng với đó, tỷ lệ lao động là sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề của các tỉnh/thành phía Nam tham gia tuyển tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Từ năm 2018 đến nay, qua 4 kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề Hàn theo Chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam.
Lý giải về nguyên nhân, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, do NLĐ khu vực phía Nam có tâm lý ngại thay đổi, ngại đi xa gia đình và còn nhiều nghi ngại khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các địa phương mặc dù quan tâm nhưng chưa tạo được phong trào, chưa xây dựng được các điển hình thôn, xóm, xã, huyện có đông đảo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Ngoài ra, thông tin về các chương trình của Trung tâm chưa thực sự phổ biến và chưa được nhiều NLĐ biết đến. Trung tâm chưa có cơ sở đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng tại phía Nam nên NLĐ khu vực này phải ra Hà Nội thi tuyển và học định hướng, việc phải đi lại nhiều lần làm tăng chi phí dẫn đến NLĐ e ngại khi tham gia.