Việt Nam có vắc xin sốt xuất huyết: VNVC triển khai tiêm đầu tiên trên toàn quốc
Nâng cao phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong đoàn viên, người lao động |
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vắc xin sốt xuất huyết của Takeda đã được nghiên cứu và phát triển trong gần 45 năm, đã được phê duyệt sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam vào tháng 5/2024, dành cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Vắc xin có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vắc xin có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết. Điều này có ý nghĩa khi số người từng mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam rất lớn và nguy cơ mắc lần sau thường nặng hơn lần đầu.
PGS.TS Trần Đắc Phu (thứ ba từ phải sang), Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chứng kiến Lễ ra mắt và triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại VNVC, chiều 20/9/2024. |
Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng với nhà sản xuất đã nỗ lực để sớm đưa về Việt Nam bởi đây là một trong những vắc xin được mong đợi hàng đầu khi mỗi năm tại Việt Nam đều có các đợt bùng phát dịch lớn nhỏ khác nhau gây hàng trăm ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương. Đặc biệt, bệnh ngày càng diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ.
Toàn bộ vắc xin sốt xuất huyết được VNVC lưu trữ trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng. |
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 tuýp huyết thanh virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan do bệnh.
Theo PGS Đắc Phu, nhờ có vắc xin, nhiều bệnh nguy hiểm đã bị loại trừ và giảm đi hàng trăm, hàng nghìn lần ca mắc như đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt...gần đây nhất là Covid-19, đến nay là sốt xuất huyết.
“Vắc xin là thành quả rất lớn, sẽ góp phần hiệu quả trong công tác khống chế dịch. Việc sử dụng vắc xin sẽ giảm số ca mắc bệnh, những ca mắc nặng và ca tử vong”, PGS Đắc Phu đánh giá.
VNVC lưu trữ vắc xin sốt xuất huyết trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng. |
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, là đối tác chiến lược toàn diện với Takeda, VNVC đã đặt hàng từ rất sớm và nỗ lực cùng nhà sản xuất để đưa về số lượng lớn vắc xin sốt xuất huyết về triển khai tiêm, kịp thời bảo vệ cho trẻ em, người lớn, góp phần giảm dần gánh nặng bệnh tật do sốt xuất huyết gây mỗi năm cho người dân Việt Nam.
Thời điểm triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết càng ý nghĩa hơn khi nhiều dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca mắc khi mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp.
Người cao tuổi có bệnh nền đến tiêm vắc xin vào ngày đầu (20/9)VNVC triển khai tiêm chủng vắc xin sốt xuất huyết. |
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết sốt xuất huyết có thể gặp ở trẻ em và người lớn nhưng ở trẻ em, bệnh có nhiều nguy cơ diễn tiến nặng và tỷ lệ tử vong cao do thường dễ nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu với nhiều bệnh lý khác. Trẻ em thường không biết miêu tả triệu chứng bệnh, do đó bệnh thường phát hiện muộn gây khó khăn cho điều trị. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng như lọc máu, thay huyết tương, chống sốc... Chi phí điều trị một ca mắc sốt xuất huyết nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nhiều trẻ sốt xuất huyết nhập viện khi đã có biến chứng nặng, rơi vào tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt, giảm thể tích tuần hoàn có nguy cơ tử vong rất cao. Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến suy các cơ quan nội tạng, tổn thương gan nặng, phải điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, thay huyết tương rất phức tạp. Những năm gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu tăng lên có thể liên quan đến tuýp virus DEN-2 gây bệnh chiếm ưu thế, bệnh nhân thừa cân béo phì tăng, có bệnh nền kèm theo…
Phụ huynh đưa con em đến tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại VNVC Hoàng Văn Thụ (TP.HCM). |
Chia sẻ thêm về gánh nặng bệnh sốt xuất huyết, BS Bạch Thị Chính cho biết sốt xuất huyết diễn biến khó lường và phức tạp, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, trong đó các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…
Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm tính mạng.
Với diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Hệ thống tiêm chủng VNVC liên tiếp đưa về thêm nhiều vắc xin mới, vắc xin chất lượng cao để kịp thời phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em và người lớn. Từ đầu năm 2024 đến nay, VNVC đã nhập về 3 loại vắc xin mới, bao gồm: vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu B thế hệ mới, vắc xin phế cầu 23 và vắc xin sốt xuất huyết. Trong thời gian tới, VNVC dự kiến sẽ tiếp tục đưa vắc xin phòng zona thần kinh về Việt Nam, phục vụ cho người từ 18 tuổi nhằm phòng ngừa mắc mới và tái mắc bệnh. Việc liên tục đưa các vắc xin mới về Việt Nam và mở rộng hệ thống tiêm chủng đến nhiều địa phương trên cả nước thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của VNVC trong việc đảm bảo người dân, từ trẻ em đến người lớn, có cơ hội tiếp cận đầy đủ các loại vắc xin bảo vệ sức khỏe. Điều này không chỉ giúp người dân Việt Nam sớm tiếp cận với các loại vắc xin tiên tiến, chất lượng cao như trên thế giới, mà còn góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng, đồng thời giảm áp lực cho ngành y tế trong việc khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. |
Khu trọ công nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch sốt xuất huyết Khu trọ công nhân xuống cấp tại địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đã và đang tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ... |
Cần xem dịch sốt xuất huyết như sự kiện y tế công cộng khẩn cấp 5 năm qua, dịch bệnh sốt xuất huyết liên tục hoành hành, theo đúng chu kỳ dịch 4-5 năm một lần mà các chuyên gia ... |
Chế độ ăn uống phù hợp với 3 giai đoạn của sốt xuất huyết giúp người bệnh mau phục hồi Chế độ ăn uống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân sốt xuất huyết. |