Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, Việt Nam - Hàn Quốc đã xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Theo đó, thương mại hai nước từ mức 500 triệu USD năm 1992 đã tăng khoảng 161 lần lên mức 80,7 tỷ USD năm 2021.
Bên cạnh đó, giao lưu văn hoá và kinh tế trong khu vực công và tư nhân cũng đang diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, năm 2021, chính phủ Việt Nam quyết định đưa tiếng Hàn vào Chương trình giáo dục phổ thông, góp phần xoá bỏ rào cản ngôn ngữ.
Dựa trên mối quan hệ bền chặt từ lâu, hai nước đang dần tiến tới mối quan hệ gắn bó hơn, khăng khít, toàn diện hơn. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc vào đầu tháng 12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cùng thống nhất, đưa Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”, nhất trí tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, chiều 16/12, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Hữu nghị Việt - Hàn (VIKOFA) và Tập đoàn truyền thông Herald đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc 2022: “Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm”.
Với sự tham gia của khoảng 500 khách mời là những nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực kinh tế - chính trị của cả hai nước, trên chủ đề “Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm” - Diễn đàn được kỳ vọng sẽ là cơ hội để hai bên cùng thảo luận về quan hệ đối tác trong 100 năm tới.
Toàn cảnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc 2022: “Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm”. Ảnh: Tuấn Việt |
Thay mặt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đọc bài phát biểu tại Diễn đàn, bà bà Oh Young Ju, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết hai nước cần phải chuẩn bị một chiến lược vì sự thịnh vượng chung trong 100 năm tới dựa trên sự tin cậy lẫn nhau được xây dựng trong 30 năm qua.
Theo đó, sự hợp tác này cần đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng vì an ninh kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh - thân thiện với môi trường.
Đại diện Tập đoàn truyền thông Herald, ông Choi Jin Young, Tổng giám đốc The Korea Herald tin tưởng: "Hàn Quốc và Việt Nam đã có thể cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới và tuyệt vời dựa trên tình bạn sâu sắc và sự tin tưởng lẫn nhau trong hơn 30 năm qua. Tôi hi vọng diễn đàn lần này sẽ là nền tảng để chúng ta cùng nhau phát triển và tìm ra giải pháp để hai nước cùng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ đánh giá cao sự kiện quan trọng này nhân chuyến thăm của đoàn các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc sang Việt Nam. Theo ông Hải, đây sẽ là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường sự hiểu biết và tạo dựng niềm tin, thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định: Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau. Theo đó, trong khi Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư Hàn Quốc vào ASEAN và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN thì chiều ngược lại, Hàn Quốc cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Diễn đàn. |
Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 73,5 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Hàn Quốc cũng là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với trên 9.400 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 81 tỷ USD tính đến tháng 10/2022. Các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện diện tại 19/21 ngành kinh tế và 59/63 địa phương, có đóng góp tích cực đến chuyển đổi cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
"Tên tuổi các tập đoàn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Posco, Lotte… đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đang là đối tác trọng tâm trong “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Hàn Quốc", ông Hải nói.
Đồng thời, Phó chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định hai nước còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để hợp tác bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như nhịp chuyển động mạnh mẽ của thời đại CMCN 4.0; của liên kết, hội nhập khu vực sâu sắc và bản sắc văn hóa đặc sắc của hai dân tộc Việt Nam – Hàn Quốc.
Còn theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, Diễn đàn năm nay với chủ đề “Cùng gắn bó bền chặt – Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm” là một chủ đề rất có ý nghĩa, với hàm ý hai nước đã viết lên câu chuyện thành công của 30 năm hợp tác, nhưng với tầm nhìn thịnh vượng 100 năm.
"Chúng ta đang có cơ hội và hãy cùng nhau viết tiếp câu chuyện thành công 100 năm, đem lại sự phát triển thịnh vượng lâu bền hàng trăm năm cho 2 đất nước", ông Công nói.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh Tuấn Việt |
Theo ông Phạm Tấn Công, trong quá trình “hướng tới sự thịnh vượng 100 năm”, hai nước sẽ cùng nhau hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam luôn chào đón, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam kinh doanh và đầu tư. Trên thực tế, chúng ta đang có cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc rất thành công tại Việt Nam.
Chủ tịch VCCI nhận định, một Việt Nam thịnh vượng hơn sẽ là một thị trường lớn hơn và cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong khi đó, một Hàn Quốc thịnh vượng hơn sẽ là một đối tác tuyệt vời hơn và cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong phần chia sẻ tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (VIKOFA) bày tỏ sự tri ân, trân trọng các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tới Việt Nam, đầu tư và coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.
Chủ tịch VIKOFA nhận định, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Việt Nam, góp phần quan trọng vào tăng trưởng, đóng góp cho ngân sách của Chính phủ Việt Nam, mang sản phẩm từ sự hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đến với thị trường thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (VIKOFA). Ảnh Tuấn Việt |
Cũng theo ông Lộc, một số doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, lập trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) ở Việt Nam, tạo ra hệ sinh thái, kết nối, cộng sinh có hiệu quả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam - dù số lượng doanh nghiệp này không nhiều.
Ông Lộc kỳ vọng, với việc Hàn Quốc đã đi đầu trong làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam trong ba thập kỷ qua, sẽ tiếp tục đi đầu trong làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam trong tầm nhìn 30 năm tới.
Chủ tịch VIKOFA Vũ Tiến Lộc bày tỏ tin tưởng, với sự nỗ lực, nâng cấp đầu tư của Hàn quốc vào Việt Nam tầm nhìn 30 năm tới, các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào các "mắt xích" có giá trị gia tăng lớn hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của Hàn Quốc. Qua đó, để “kỳ tích sông Hàn” sẽ là niềm cảm hứng và động lực góp phần tạo nên “kỳ tích sông Hồng” ở Việt Nam.