Xuất khẩu gạo cấp trung bình và cấp thấp, cái “bẫy” cần cảnh giác
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đặt mục tiêu đạt trên dưới 6,5 triệu tấn, nhưng thực tế đã xuất khẩu vượt 7 triệu tấn. Kết quả này tạo cho mọi người niềm tin thắng lợi vào vụ lúa Đông Xuân 2022 – 2023 – vụ lúa chính trong năm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Xuất khẩu gạo tháng 12 của Việt Nam ước đạt 550.000 tấn, trị giá 283 triệu USD. Cộng dồn cả năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước tính tăng 15,7% lên 7,22 triệu tấn, trị giá 3,51 tỷ USD, tăng 7,06% về kim ngạch. Trong đó, một trọng số điểm đến là Philippines - thị trường tăng trưởng qua từng năm.
Tuy nhiên, trong kết quả trên, con số nhập khẩu lúa IR 50404 từ Campuchia năm 2022 lên đến 3.477.886 tấn, nhập khẩu gạo Ấn Độ khoảng 520 ngàn tấn.
Trước thực tế này, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo đã lên tiếng cảnh báo về “bẫy” xuất khẩu gạo cấp trung bình và thấp.
Ngành nông nghiệp mất 10 năm để chuyển đổi các giống lúa từ chất lượng thấp lên cao
Trong suốt thời gian dài kể từ khi tham gia thị trường quốc tế, tuy đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người tiêu dùng toàn cầu chỉ biết đến gạo Việt Nam cái tên rất chung chung “gạo trắng Việt Nam”, và chia làm 3 loại 5% tấm, 15% tấm và 25% tấm với phẩm cấp gạo trung bình và thấp.
Nhưng ngày nay, vị thế hạt gạo Việt Nam đã thay đổi từ một nước xuất khẩu gạo chất lượng trung bình, thấp Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo chất lượng cao và đi vào các thị trường khó tính bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp. Bên cạnh chất lượng gạo ngày càng tăng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thế giới thì hiện nay trên thế giới không có nước nào có quy trình sản xuất lúa như ở Việt Nam, cứ hơn 3 tháng là có một vụ lúa mới.
Từ Nam tới Bắc, xuyên suốt dãy đất hình chữ S, lúc nào trên đồng ruộng cũng có lúa cho nên Việt Nam không cần tồn trữ gạo nhờ vậy hạt gạo Việt Nam luôn tươi, mới và mang vị ngọt đậm đà ... trong khi đó các nước trồng lúa khác trên thế giới, họ luôn luôn tồn trữ gạo trong kho với thời gian ít nhất cũng phải vài ba năm. Với các lợi thế trên đã định vị hạt gạo Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Để có thể chuyển đổi thành công từ các giống lúa chất lượng trung bình, thấp sang có giống lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long – khu vực chiếm đến 95% sản lượng gạo xuất khẩu, ngành nông nghiệp Việt Nam đã trải qua thời gian gần 10 năm kiên trì thuyết phục bà con nông dân.
Tuy nhiên, khi diện tích sản xuất lúa IR 50404 trong nước xuống ở mức thấp, để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với các loại gạo cấp trung bình và thấp buộc Việt Nam “mở cửa” thị trường để nhập khẩu các loại gạo trên từ Campuchia và Ấn Độ. Nhưng độ mở như thế nào là phù hợp và khi gạo giá rẻ từ Campuchia và Ấn Độ tràn vào nội địa thì nguy cơ nào đối với nông dân sản xuất ngành lúa gạo trong nước.
Thận trọng bẫy xuất khẩu gạo cấp trung bình và cấp thấp
Với việc lúa IR 50404 từ Campuchia đang ồ ạt vào Việt Nam với số lượng tăng lên qua từng năm, và có khoảng 1 triệu tấn gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ khiến chuyên gia ngành lúa gạo phải lên tiếng cần “cảnh giác với bẫy xuất khẩu gạo cấp trung bình và cấp thấp” của ngành lúa gạo Việt Nam.
Ngày 5/01/2023, tờ The Phnom Penh Post, đăng một báo cáo mới từ Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF), năm 2022 Campuchia đã xuất khẩu 637.004 tấn gạo, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm ngoái và trị giá 414,29 triệu USD, trong đó 45,34% được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Ma Cao. Ngoài ra, có 3.477.886 tấn lúa trị giá 841,09 triệu USD đã được xuất khẩu riêng cho Việt Nam.
Cùng với đó mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo giá rẻ từ Ấn Độ nhưng năm 2022, do chính phủ nước này hạn chế xuất khẩu gạo bằng biện pháp tăng thuế nên theo số liệu sơ bộ nhập khẩu gạo Ấn Độ khoảng 520 ngàn tấn.
Ông Phạm Quang Diệu – Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Công ty Agromonitor đã lên tiếng cảnh báo về “Bẫy xuất khẩu gạo cấp trung bình và cấp thấp” đối với ngành lúa gạo Việt Nam.
Theo ông Phạm Quang Diệu, trước đây khi Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường tập trung, ví dụ như Philippines - NFA, Indonesia - Bulog, hay một phần Malaysia và Bangladesh, vì tất cả các hợp đồng tập trung chủ yếu là gạo cấp thấp trung bình như IR 50404 hay gạo 25% tấm hoặc 15% tấm, hoặc Indonesia hay là Malaysia nhập khẩu của gạo 5% tấm.
“Thời gian gần đây Philippines chuyển đổi sang cơ chế nhập khẩu gạo tư nhân và có nhu cầu nhập khẩu gạo phẩm cấp cao thì khi đó Việt Nam đã chuyển dịch sản xuất sang các loại gạo phẩm cấp cao như gạo thơm các loại như DT 8, OM 18, OM 5451…
Vụ Đông Xuân 2018 - 2019 lúa IR 50404 chiếm diện tích khoảng 21%, nhưng hiện nay diện tích giống lúa IR 50404 chỉ chiếm 8%, trong khi trước đây con số này cao đến 30%, thậm chí có địa phương lên đến 40%.
Đây là một bước tiến quan trọng thành công của ngành sản xuất lúa gạo bằng vào lực kéo của thị trường, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trước đây chúng ta đã bị sập bẫy sản phẩm cấp thấp từ thị trường tập trung, và xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc”, Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Công ty Agromonitor nhận định.
Và theo ông Diệu, đây chính là một thách thức cho ngành lúa gạo Việt Nam và điều này đặt ra một câu hỏi cũng như những giải pháp căn cơ cho những nhà điều hành chính sách cũng như các địa phương sản xuất lúa gạo lớn. Bởi vì những kết quả mà ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang có được là những cái rất đáng quý, và phải làm sao để có thể duy trì và phát triển bền vững. Đó là một câu chuyện cần có suy tính và có giải pháp căn cơ dài hạn.
Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn), cơ cấu giống lúa gieo sạ vụ Thu Đông 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long như sau: Giống lúa thơm, đặc sản đạt 22 % tăng 2,1% so với năm 2021; giống lúa chất lượng cao đạt 53% tăng 2,8%, so với cùng kỳ; giống chất lượng trung bình đạt 16%, giảm 3% so với cùng kỳ; giống lúa nếp đạt 8%, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa chất lượng cao. Chính sự dịch chuyển cơ cấu sản xuất từ cấp thấp sang chất lượng cao, gạo thơm là yếu tố có đóng góp rất quan trọng trong kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022. Hơn 10 năm trước, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long rất thích gieo sạ giống lúa IR 50404 nên chiếm gần 30% diện tích của khu vực, thậm chí có địa phương lên tới 40% diện tích, trong khi Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn khuyến cáo ở mức10% diện tích, vì giống lúa này cho gạo phẩm cấp thấp, khó cạnh tranh với gạo xuất khẩu cùng cấp của Ấn Độ. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, sở dĩ giống lúa IR 50404 được nông dân chọn trồng nhiều trên diện rộng vì có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-95 ngày; năng suất cao, dễ canh tác, nhẹ phân; khả năng quang hợp nhanh nên không bị lép; có thị trường cho nhà sản xuất bún, bánh tráng... Nhưng nhược điểm của giống lúa này là gạo có hàm lượng amylose cao nên cứng cơm và độ bạc bụng lớn, không thích hợp với thị hiếu quốc tế; dễ bị gãy khi xay xát, làm tỷ lệ gạo nguyên thấp, nhất là canh tác trong vụ Hè Thu; và giá trị thương phẩm rất thấp. |