10 đơn vị trên địa bàn Hà Nội nợ BHXH người lao động nhiều nhất trong tháng 01/2023
Một trong những đơn vị có số tiền nợ BHXH lớn là Công ty Cổ Phần Giao Hàng Tiết Kiệm, địa chỉ Số 08 Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nợ 8.893 lao động với số tiền hơn 15 tỷ đồng.
Ngay sau là Công ty TNHH Hệ Thống dây Sumi – Hanel, Khu CN Sài Đồng B, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội đang nợ 7.152 lao động gần 14 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội, địa chỉ Nguyễn Phương Anh Khoang SSC, tầng 11, tòa A, khối 11 tầng, tòa nhà FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội với hơn 7,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Elentec VN, Lô 44F,44J KCN Quang Minh, TT Chi Đông, Mê Linh - Hà Nội với khoản nợ BHXH là 5,2 tỷ đồng và Công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ vinfast, địa chỉ Tầng 7, Toà symphony Đường Chu Huy Mân, Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội đang nợ gần 5 tỷ đồng.
Cty TNHH MTV thuốc lá Thăng Long, địa chỉ Lô CN 01, KCN Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đứng thứ 7 trong danh sách với 1.576 lao động, nợ 4,6 tỷ đồng.
Năm trong 10 đơn vị nợ BHXH lớn nhất còn có Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội, địa chỉ Tầng 26 tòa nhà Central Field Số 219, Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội với 2.633 lao động, nợ hơn 4,1 tỷ đồng.
Cuối cùng là Cty CP Kinh doanh F88, địa chỉ P206 Tòa nhà N01A Số 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội với 2.197 lao động, nợ tiền BHXH tương ứng là hơn 4 tỷ đồng.
Như vậy, đến hết ngày 30/01/2023, chỉ tính riêng 10 đơn vị đứng đầu danh sách nợ tiền BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội nợ số tiền BHXH là hơn 86 tỷ đồng với số lao động là 39.154 người.
Vừa qua, tại hội nghị phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyến Thế Mạnh cho biết, tiền chậm đóng phải tính lãi gần 14.100 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng cường thanh kiểm tra với doanh nghiệp chưa đăng ký đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ, chậm đóng từ ba tháng trở lên. Những công ty cố tình trốn đóng sẽ bị lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự
Thực tế, việc chậm đóng BHXH đang xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH. Doanh nghiệp thường né tránh cán bộ Bảo hiểm xã hội nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Nhiều đơn vị giải thích "chưa kịp đóng chứ không phải cố tình chậm hay trốn". Việc khởi tố tội danh trốn đóng BHXH cũng vướng mắc về chính sách, thẩm quyền.
Cũng liên quan đến tình trạng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nợ tiền bảo hiểm xã hội, vào đầu tháng 2, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết cho hơn 206.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH.
Được biết, họ là lao động trong gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn, nợ đọng nhiều năm với số nợ BHXH khoảng 3.500 tỷ đồng (đến tháng 9/2022) và hầu như không thể thu hồi.