Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa phát đi thông tin về việc tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế.
Hai cơ quan có trách nhiệm giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Phiên giải trình diễn ra vào ngày 28/2/2023.
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có đề xuất qua lại về trách nhiệm làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu. Đề xuất qua lại này thậm chí được ví như đùn đẩy, "đá bóng" trách nhiệm cho nhau.
Thị trường xăng dầu trong nước chịu nhiều biến động bất thường trong gần 1 năm qua, trước tác động của thị trường xăng dầu thế giới, nguồn cung trong một số thời điểm, tại một số địa bàn bị đứt gãy cục bộ. Những tháng cuối năm 2022 ghi nhận tình trạng người dân chật vật xếp hàng chờ đổ xăng. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân treo biển “hết xăng, còn dầu”, "nghỉ bán". Bên cạnh nguồn cung gặp khó thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là các cửa hàng bán lẻ chịu lỗ quá nặng trong thời gian dài, không còn mặn mà nhập hàng về bán nữa.
Đáng chú ý vào đầu năm 2023 tình trạng này vẫn tiếp diễn, dù nguồn cung xăng dầu cho thị trường được Bộ Công thương khẳng định là không thiếu. Phía Quản lý Thị trường cũng đã xử phạt hàng loạt cây xăng nghỉ bán hàng không lý do.
Ảnh minh hoạ |
Trước đó, tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp than thở về tình trạng ngập trong thua lỗ suốt một năm nay. Lý giải về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước, các doanh nghiệp lý giải xuất phát chủ yếu từ quy định, phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đồng thanh cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay rất bất ổn, doanh nghiệp bán lẻ cực kỳ khó khăn. Do vậy, mấu chốt là làm sao xây dựng được nghị định kinh doanh xăng dầu lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát.
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2/2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.