Cán bộ công đoàn nêu ý kiến với Thủ tướng về nhà ở công nhân
Quyết tâm "gấp 2 lần 20 năm" |
Cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân thì phải hỗ trợ người lao động (NLĐ) tiền thuê nhà, tối thiểu 500.000 đồng/tháng/người. Đây là kiến nghị của đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh tới người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Nêu thực tế khó khăn trong triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân tại địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà cho biết, toàn tỉnh hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 330.000 công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Có tới 75% trong số đó là lao động ngoại tỉnh. Hơn 100.000 công nhân lao động có nhu cầu bức thiết về nhà ở.
Tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân (đến nay đã có 7 dự án đi vào hoạt động). Số căn đã bán và cho thuê của các dự án đạt từ 10% đến 50%. Ngoài ra, gần 100.000 công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều nơi chất lượng và an ninh chưa được đảm bảo.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
“Nhu cầu mua nhà ở xã hội của công nhân chủ yếu tập trung vào nhóm lao động quản lý, thu nhập cao, việc làm ổn định. Còn nhu cầu thuê nhà ở chủ yếu tập trung ở nhóm công nhân lao động trực tiếp, có mức thu nhập thấp đến trung bình khá, hay thay đổi việc làm hoặc sống cùng gia đình, người thân” - đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà nêu thực tế.
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, 2/3 số con nhỏ của công nhân lao động trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học (với khoảng 50.000 trẻ) phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc. 2/3 tổng thu nhập hằng tháng của công nhân lao động các khu công nghiệp được gửi về quê hỗ trợ gia đình, người thân và nuôi con nhỏ.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ khi duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất cần quan tâm quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế… nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu của công nhân khu công nghiệp.
Nhà nước cần đầu tư 1 phần ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; có chính sách hỗ trợ công nhân lao động tiền thuê nhà ở, thông qua các hình thức: Hỗ trợ trực tiếp NLĐ thuê nhà ở của các dự án nhà ở công nhân hoặc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp khi thuê lại các dự án nhà ở công nhân, cho công nhân của họ ở theo nhu cầu.
Ngoài ra, cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân, phải hỗ trợ NLĐ tiền thuê nhà, tối thiểu 500.000 đồng/tháng/người và được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp; đề nghị giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 hoặc 40 giờ/tuần, đảm bảo việc làm cho NLĐ.
Đồng chí Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Kiến nghị về vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân lao động TP Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho biết, Thành phố rất quan tâm và đã bố trí xây dựng nhà ở công nhân từ nguồn ngân ngân sách Thành phố, hiện đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập trong việc lựa chọn xét đối tượng do quy định của pháp luật.
Để giải quyết nhu cầu bức thiết, trước mắt của công nhân, LĐLĐ TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng của 2 kí túc xá sinh viên với quy mô 10.000 chỗ ở thành nơi ở của công nhân Khu công nghiệp Hòa Vang và Liên Chiểu.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương mong muốn Thủ tướng quan tâm để chỉ đạo thêm đối với vấn đề nhà ở xã hội. Bình Dương hiện có 82 dự án nhà ở xã hội nhưng nhu cầu của công nhân trong các khu công nghiệp rất lớn. Riêng các khu công nghiệp tập trung tới hơn 500.000 công nhân. Do vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn về nhà nhà ở, nhà trẻ cho công nhân và con cái họ.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đồng tình cao với chủ trương coi vấn đề nhà ở công nhân là một trong 3 hoạt động đột phá năm 2023 trong công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. TP Hồ Chí Minh có một bộ phận lớn công nhân lao động từ các tỉnh miền Tây đến làm việc, có nhu cầu thuê nhà ở thay vì mua nhà ở. LĐLĐ TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tính toán phương án xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất.
"Việc phát huy các dự án xây nhà ở cho công nhân thuê ở khu vực này sẽ góp phần giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, di chuyển của NLĐ thuận lợi hơn... Có chính sách hỗ trợ người dân là chủ nhà trọ nâng cấp nhà trọ để công nhân có điều kiện sinh hoạt đảm bảo hơn" - đồng chí Trần Thị Diệu Thúy đề xuất.
"Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân lao động an cư lạc nghiệp, từng bước hoàn thiện các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe NLĐ" - Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao việc thực hiện nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo... cùng xem xét, đề xuất giải quyết.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Tại Hội nghị đánh giá thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam (ngày 1/2), Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vào Đề án xây dựng một triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp do Bộ Xây dựng chủ trì để đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. |
“Góc sân” công nhân và “khoảng trời” con trẻ Tôi gặp Tây khi anh đang bế con quanh quẩn xóm trọ. Trưa của một ngày cuối năm, dãy trọ công nhân xác xơ, im ... |
Tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người dân cải thiện chỗ ở Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động ... |
Số dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới năm 2022 giảm mạnh Năm 2022, cả nước có 126 dự án phát triển nhà ở thương mại với 55.732 căn hộ được cấp phép, chỉ bằng khoảng 52,7% ... |