Tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người dân cải thiện chỗ ở
Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009. Sau nhiều lần điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhà ở xã hội đã giúp nhiều người dân có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp... được cải thiện chỗ ở.
Phát huy sự ưu việt của chính sách, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lập Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030."
Đây sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội từng năm, từng giai đoạn; từ đó, quan tâm, dành đủ nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn tới; góp phần thúc đẩy, khơi thông thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị xung quanh nội dung này.
Sau nhiều năm "lệch pha," nguồn cung nhà ở vẫn chưa được giai quyết khi nhà ở xã hội vẫn còn thiếu xa so với nhu cầu. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo Bộ trưởng, đề án này sẽ được thực hiện hóa như thế nào để đạt được hiệu quả và tạo chuyển biến tích cực?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã khởi công xây dựng được 34.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,8 triệu m2.
Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp được cải thiện, có chỗ ở ổn định.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay tổng số diện tích nhà ở xã hội hoàn thành mới đạt 7,8 triệu m2/12,5 triệu m2 (62%) theo yêu cầu đến năm 2020. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, nguồn vốn.
Những nội dung này cũng đã được chỉ ra tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp vào tháng 8/2022. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo, nghiên cứu các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương và ý kiến các Bộ, ngành hoàn thiện Đề án và đến nay đã trình Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ yêu cầu. Trong Đề án, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn và hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới.
Trên cơ sở xác định nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương, Bộ Xây dựng đã đề xuất mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1,4 triệu căn hộ; trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 550.000 căn, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 850.000 căn.
Đồng thời, xác định trách nhiệm các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tạo nguồn cung cho thị trường.
Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là định hướng, căn cứ quan trọng để các Bộ ngành, địa phương có cơ sở tập trung triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đã đề ra. Việc gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ đem giúp người dân có thu nhập còn hạn chế có thêm cơ hội cải thiện chỗ ở.
Cùng với việc phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác đảm nhận việc rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết các nhiệm vụ cụ thể của tổ công tác là gì và tình hình hoạt động ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2022, thị trường bất động sản được kiểm soát, tăng trưởng vào các tháng đầu năm nhưng có xu hướng giảm dần và trầm lắng vào nửa cuối năm do gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản trầm lắng đang kéo theo sự đình trệ của nhiều thị trường khác.
Trước bối cảnh này, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo sát sao và quyết định thành lập Tổ công tác (liên ngành) của Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp để khơi thông lại thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. (Nguồn: TTXVN) |
Tổ công tác gồm lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ với nhiệm vụ hướng dẫn và đề xuất các giải pháp trước mắt, lâu dài về quy định pháp luật, hướng dẫn thực thi pháp luật, quy trình thủ tục để bộ, ngành, địa phương cùng xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản, tháo gỡ khó khăn đảm bảo thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải chủ động, tích cực tham gia thực hiện thực hiện giải pháp xử lý những khó khăn nội tại như cơ cấu lại doanh nghiệp, sắp xếp các dự án, sản phẩm, giá bán… để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thực tế thị trường.
Sau khi thành lập, Tổ công tác đã triển khai làm việc ngay với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản; đồng thời, làm việc, trao đổi cùng các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, đại diện Hiệp hội Bất đông sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam để nhận diện, đánh giá tình hình và xác định giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Trên cơ sở đó, phối hợp với các địa phương phân loại khó khăn vướng mắc, xác định thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, Tổ công tác phân loại nhóm lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ để giao hướng dẫn, tháo gỡ cụ thể.
Vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kỹ, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét, tháo gỡ. Về vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương thì Tổ công tác rà soát, phân loại, sàng lọc nội dung, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương giải quyết, xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án và cho doanh nghiệp.
Tổ công tác đã tổng hợp, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư… và hệ thống văn bản hướng dẫn có liên quan.
Hiện tại, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Nghị định sửa các Nghị định có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định sửa các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và ban hành theo thẩm quyền một số Thông tư có liên quan.
Thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục khẩn trương làm việc với các địa phương có những dự án bất động sản vướng mắc để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong thực thi pháp luật; tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản hoạt động ổn định, lành mạnh.
Năm 2023 dự báo vẫn có nhiều biến động khó lường, tác động đến nền kinh tế. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng có những định hướng và giải pháp gì để giúp thị trường bất động sản ổn định trong năm 2023 và những năm tiếp theo?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2023 và các năm tới, ngành xây dựng sẽ tiếp tục tập trung cho 3 đột phá trọng tâm đã xác định cho nhiệm kỳ 2021-2026 của ngành xây dựng.
Đó là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, phân cấp mạnh cho địa phương để tháo gỡ các điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển của ngành, hoạt động của doanh nghiệp.
Công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Cùng đó, việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững... cũng sẽ được chú trọng.
Bộ Xây dựng sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sản và xây dựng kế hoạch triển khai, đôn đốc các bộ ngành liên quan, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
Cùng đó, chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình, khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở... cũng sẽ được tập trung xây dựng.
Riêng trong năm 2023, Bộ Xây dựng đặc biệt mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và người dân cùng tích cực, đồng hành thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách hiệu quả để phát triển nhà ở cho người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp và trung bình.
Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy, khơi thông thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững ở giai đoạn tới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!