Cần Thơ muốn làm sân bay quốc tế diện tích 10.000ha
Cần thông điệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ để khôi phục niềm tin ở thị trường trái phiếu |
Cần Thơ muốn làm sân bay quốc tế đạt chuẩn khu vực. |
Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức; Báo Xây dựng là đơn vị thực hiện vừa diễn ra vào ngày 10/6 tại Cần Thơ.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua đó, góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế Vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, ĐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Chính vì vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 của khu vực là mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5 - 7% /năm.
Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhắm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong Vùng. Để thực hiện mục tiêu trên, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách.
Trong đó, việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật góp phần kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp. Từ đó, thúc đẩy thị trường phát triển, làm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động.
Cũng tại diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thừa nhận hạ tầng giao thông của địa phương còn chưa thật sự phát triển. Ngoài ra, Cần Thơ vẫn chưa có cảng đầu mối, trung tâm logistics lớn cấp vùng, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp còn thiếu và lạc hậu.
Trước đó, lãnh đạo địa phương đã đặt tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ sẽ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á. Để thực hiện các mục tiêu này, ông Trường cho rằng trước mắt vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cần Trung ương ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đi qua thành phố, như cầu Mỹ Thuận 2, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau...
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng ưu tiên tham mưu cho Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực, kết hợp với việc xây dựng thêm cảng Cargo Logistics.
Bên cạnh đó, vị này mong muốn Bộ Xây dựng chú trọng đầu tư xây dựng phát triển cảng biển quốc tế tại TP Cần Thơ phù hợp theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia. TP Cần Thơ cũng đề xuất Bộ Xây dựng, tham mưu cho Chính phủ cho phép xây dựng dự án “Kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, tuyến đường kết nối TP Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp với quận Ô Môn - TP Cần Thơ và huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang, trong đó có Cầu Ô Môn là hạng mục quan trọng nhằm đồng bộ toàn tuyến. Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng mang tính kết nối liên vùng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch vùng.
Top 10 địa phương dẫn đầu tăng trưởng GRDP 9 tháng |