Thị trường bất động sản đang rơi vào giai đoạn đầy khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Nắm được tầm quan trọng của vấn đề này, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) đã đưa ra 3 giải pháp gỡ khó về nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Chủ tịch BHS nhận định để "giải cứu" thị trường bất động sản, quan trọng nhất là giải được bài toán làm sao để khách hàng xuống tiền? Khách hàng sẵn sàng xuống tiền thì mọi nút thắt mới được tháo gỡ.
Để khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, vị CEO đưa ra 3 phương án. Thứ nhất là giải quyết vấn đề pháp lý, tạo tính minh bạch cho thị trường, đặc biệt là đối với bất động sản nghỉ dưỡng.
"Dù muốn hay không thì cũng phải thừa nhận trong gần 10 năm qua, lượng tiền đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng rất lớn. Có thể lên tới cả triệu tỷ. Nhưng hiện nay, cả các chủ đầu tư và khách hàng đều đang đứng trước câu hỏi: Bao giờ thì biệt thự biển và Condotel (khách sạn căn hộ) được cấp sổ? Nếu loại hình bất động sản này mà có "giấy khai sinh" (sổ đỏ/hồng) thì việc mua, bán, thế chấp,… sẽ dễ dàng hơn. Qua đó tạo thanh khoản, khơi thông dòng vốn nhanh và tăng lòng tin của khách hàng", ông Tuyển nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc giải quyết và tháo gỡ pháp lý cho các dự án đô thị ở các địa phương cũng sẽ làm cho nguồn cung mới được bổ sung. Hàng hóa sẽ đa dạng và pháp lý vững vàng. Nhà đầu tư sẽ yên tâm tìm hiểu và đầu tư vào sản phẩm mình ưa thích.
Thị trường bất động sản đang gặp khó về dòng vốn |
Thứ hai về lãi suất, vị CEO cho rằng, nếu mặt bằng lãi suất giảm xuống thêm 1 - 2%, chắc chắn tiền từ ngân hàng sẽ chảy ra. Đó mới là dòng tiền lớn cứu rỗi thanh khoản của thị trường bất động sản.
Vấn đề thứ ba là giá cả, ông Tuyển nhận thấy sau một thời gian thị trường tăng trưởng thì giá một số bất động sản đang ở mức cao và khó giảm. Nguyên nhân được chỉ ra là do lợi nhuận gộp của chủ đầu tư giảm trong khi chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí sử dụng đất, chi phí hạ tầng/xây dựng và chi phí vốn lần lượt tăng. Vì vậy, các chủ đầu tư phải chấp nhận đưa ra một mức giá rất hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Chủ tịch BHS nhấn mạnh, tháo gỡ pháp lý là vô cùng quan trọng và lâu dài. Lãi suất là trước mắt. Còn giá cả thì hãy để cho cung cầu quyết định. Lòng tin của hàng triệu khách hàng luôn mạnh hơn các nguồn lực khác. Họ cần: pháp lý rõ ràng - lãi suất hạ - giá cả hấp dẫn.
Ông Tuyển và đồng sự gây dựng BHS Group. |
Ông Nguyễn Thọ Tuyển (SN 1983, Hà Nội), hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản BHS (BHS Group). Ông Tuyển có trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Viện công nghệ Châu Á. Ông từng là Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land). Ở tuổi 33, ông Tuyển được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Cen Land; cùng kề vai sát cánh với Shark Phạm Thanh Hưng, để đưa CEN Group thành tập đoàn "có số má" trong ngành bất động sản Việt Nam. BHS do ông Nguyễn Thọ Tuyển và đồng sự gây dựng vào năm 2019. Hiện hệ sinh thái của BHS có 4 doanh nghiệp: CTCP Đầu tư BĐS BMI, CTCP Đầu tư và phát triển Đô thị Sài Gòn, CTCP Quản lý và khai thác BĐS BPmax và CTCP Citics. BHS Group hiện là nhà phát triển các dự án như khu căn hộ dịch vụ sở hữu vĩnh viễn Citadines Marina Halong, dự án Legacy Hill Lương Sơn - Hòa Bình. Dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Thọ Tuyển, BHS hiện đang là doanh nghiệp có tiếng trên thị trường tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng. Được biết, BHS đã làm tư vấn cho một số dự án như: Legacy Hill (Hòa Bình), Feliz Homes (Hoàng Mai, Hà Nội), A La Cart Hạ Long (Quảng Ninh)… |