Chuyên gia bàn vấn đề nền tảng pháp lý tạo động lực cho thị trường nhà ở - bất động sản
Hà Nội uỷ quyền thẩm định giá bán nhà ở xã hội và chuyển nhượng dự án bất động sản |
Toàn cảnh diễn đàn |
Sáng 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức Sự kiện thường niên: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội đồng cố vấn của Reatimes và VIRES gồm các chuyên gia hàng đầu Việt Nam; lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp được vinh danh,…
Chương trình dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cùng sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp bất động sản.
Tại đây, các khách mời cùng nhau phân tích, đánh giá, thảo luận về những chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm và đóng vai trò then chốt, gần như mang tính quyết định đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới.
Đó là câu chuyện về nền tảng pháp lý tạo động lực cho giai đoạn chuyển mình mới của thị trường bất động sản, đặc biệt quan trọng là việc tổ chức thực hiện 3 bộ luật "xương sống" của thị trường và tháo gỡ vướng mắc trong các nghị định, thông tư có kịp thời hay không.
Tại diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do 2 rào cản: Thể chế pháp lý và tiếp cận nguồn vốn.
Với khó khăn thể chế, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã rất nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý. Minh chứng là sau 10 năm, 3 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được sửa đổi đồng thời và có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 1/1/2025.
Với Luật Kinh doanh Bất động sản, có một số điểm mới như: Tháo gỡ nhà ở hình thành trong tương lai, liên quan đến tiền đặt cọc; việc thanh toán nhà ở hình thành trong tương lai thành nhiều đợt, đợt đầu tiên không qua 30% giá trị của hợp đồng, đợt 2 không quá 50% giá trị hợp đồng. Với môi giới bất động sản, các hoạt động đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Xây dựng cấp và không được hành nghề độc lập.
Với Luật Nhà ở, có thể tóm tắt một số điểm mới như chính thức thừa nhận loại hình chung cư mini, trong đó có chứng nhận cấp sổ hồng cho loại hình này; bỏ quy định về vấn đề sở hữu nhà chung cư. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% diện tích đất kinh doanh thương mại; mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội…
LS. TS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO chia sẻ: “Ngày hôm qua, tại Hội nghị với Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có đề xuất cho phép nhà có giá dưới 3,5 tỷ đồng được phép tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng. Như vậy, khái niệm về nhà ở vừa túi tiền hiện nay có thay đổi rất lớn, không còn ở mức 1.000 USD mà có thể đã tăng lên gấp đôi. Như vậy, vấn đề nhà ở vừa túi tiền là vấn đề nóng bỏng mà chúng ta cần giải quyết. Theo đó, chúng ta sẽ nhìn từ kinh nghiệm phát triển nhà ở vừa túi tiền của một số quốc gia”.
Nhìn nhận về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, vấn đề cốt lõi là những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp.
Các khách mời tham gia phiên phiên Đối thoại Cấp cao. |
Trong đó, phiên Đối thoại Cấp cao thảo luận về 2 vấn đề nổi cộm trên thị trường hiện nay. Một là câu chuyện thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Hai là vấn đề cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường bất động sản hướng đến nhu cầu thực gắn với không chỉ phát triển nhà ở xã hội, mà còn cả nhà ở thương mại giá bình bình dân… Các chuyên gia, khách mời thảo luận về chính sách phát triển nhà ở xã hội trong Luật Đất đai 2024 và những vấn đề đặt ra; kinh nghiệm quốc tế, đề xuất mô hình phát triển nhà ở thương mại giá bình dân. Qua đó, đề xuất chính sách, giải pháp thiết thực để phát triển 2 phân khúc sản phẩm này, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, Lễ Vinh danh là kết quả Chương trình bình chọn Thương hiệu dẫn đầu từ 1.000.000 độc giả và Hội đồng bình chọn trực tiếp, độc lập, khách quan, bao gồm các nhà báo, các chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.
Lễ Vinh danh tôn vinh Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ dẫn đầu thị trường bất động sản năm 2023 - 2024 với các hạng mục: Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam năm 2023, Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bất động sản tốt nhất năm 2023, Doanh nghiệp bất động sản triển vọng nhất năm 2024, Sàn giao dịch bất động sản triển vọng nhất năm 2024, Dự án đô thị và nhà ở tiềm năng nhất năm 2024, Dự án bất động sản khu công nghiệp tiềm năng nhất năm 2024.
Đồng thời cũng vinh danh Top 5: Ngân hàng cho vay bất động sản minh bạch và hiệu quả nhất năm 2023, Dự án đô thị và nhà ở chất lượng nhất năm 2023, Khu nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2023; Dự án nhà ở xã hội, nhà ở đại chúng tiềm năng nhất năm 2024; Dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2024.
Cần sớm thí điểm dự án nhà ở thương mại để giấc mơ an cư gần hơn với người lao động Theo các chuyên gia, trước thực trạng giá chung cư ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang tăng "phi mã", cần ... |