Đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65 về chào bán trái phiếu doanh nghiệp
Năm 2022, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường, nhưng nhờ các giải pháp điều hành chủ động và linh hoạt, ngành Tài chính đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Đáng chú ý, thu ngân sách đạt 1.803 nghìn tỷ, vượt 27,76% so với dự toán, vượt 14% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử có bội thu ngân sách.
Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những chia sẻ về những nội dung đáng chú ý trong năm 2022; những định hướng, chủ trương lớn của ngành tài chính 2023.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Xin Bộ trưởng chia sẻ những giải pháp mà Bộ Tài chính triển khai để thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trong năm qua?
2022 là năm Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch COVID-19, bắt đầu phục hồi kinh tế và có thể nói đây là một năm thu được những thắng lợi toàn diện và to lớn. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% - thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI tăng 3,41% - thấp hơn mục tiêu đề ra, nợ công khoảng 40% - mức thấp so với mức cảnh báo và so với mức tối đa mà Quốc hội giao là 60%, và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục với 730 tỷ USD, xuất siêu trên 11 tỷ USD - đây là mức xuất siêu tăng cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, về chính sách tài khóa đã thực hiện một cách thành công. Thu ngân sách đã đạt được 1.803 nghìn tỷ VND, vượt 27,7% so với dự toán và vượt 17, 4% so với năm 2021 và cũng là năm đầu tiên trong lịch sử có bội thu ngân sách.
Để đạt kết quả này, trong năm qua, ngành Tài chính tiếp tục phát hành hóa đơn điện tử và vận hành tốt Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại xuyên biên giới để các tập đoàn xuyên biên giới phải nộp thuế cho Việt Nam và Cổng thông tin điện tử trong nước để những kinh doanh trên nền tảng số và sàn thương mại điện phải nộp thuế, cũng như phải nộp thuế với lĩnh vực bất động sản, chống chuyển giá, chống trốn thuế đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế.
Đối với kho bạc, ngành Tài chính cũng thực hiện chủ trương 3 không “không hồ sơ giấy tờ, không tiếp xúc trực tiếp, và không tiền mặt”.
Đối với thị trường chứng khoán, chúng tôi thực hiện sàn giao dịch về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành một sàn riêng. Đồng thời thực hiện sàn khu C để chống vấn đề nghẽn lệnh đảm bảo tốt nhất cho các quá trình giao dịch của thị trường, đảm bảo tính minh bạch và đúng đắn chính xác. Từ đó, để giảm các chi phí tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước và kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Thời gian qua, ngành Tài chính đã có nhiều nhóm giải pháp về thuế phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất gì để tiếp tục hỗ trợ những đối tượng này?
Năm 2023, chúng tôi vẫn thực hiện đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn và kéo dài giãn hoãn thời gian nộp thuế như chính sách đã thực hiện năm 2022.
Đồng thời đề xuất với Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận quyết định giảm 30% tiền thuê đất, vấn đề giảm thuế môi trường trong xăng dầu và một số khoản phí và lệ phí,… để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hộ gia đình trong sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, trong thời gian tới, cần phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp về pháp lý, về dòng tiền,… để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, các nội lực hướng về doanh nghiệp.
Từ đó, đảm bảo doanh nghiệp pháp triển và năng lực của doanh nghiệp tăng lên, đồng nghĩa với năng lực của kinh tế được tăng lên, giải quyết được lao động và tăng thu ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Vậy, thời gian tới, ngành Tài chính có những giải pháp nào?
Vấn đề giải ngân đầu tư công liên quan đến nhiều bộ ngành, đặc biệt liên quan thủ tục đầu tư và liên quan đến UBND các địa phương.
Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ tăng cường đốn đốc, theo dõi, thúc đẩy và tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo giải ngân đầu tư công mạnh hơn và hiệu quả hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, và tổ chức đấu thầu.
Về công tác chuẩn bị đầu tư chủ yếu thuộc cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), còn Bộ Tài chính thực hiện và đôn đốc giải ngân và thực hiện các quyết toán các công trình xây dựng cơ bản trong lĩnh vực đầu tư công. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ KHĐT, các lãnh đạo địa phương và bộ ngành để chỉ đạo giải ngân một cách nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn.
Trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra, kéo theo niềm tin suy giảm. Vậy, trong năm 2023, thì Bộ Tài chính sẽ có những biện pháp nào để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư tham gia vào các thị trường này?
Thị trường trái phiếu có thể nói là kênh huy động vốn dài hạn hết sức quan trọng trong nền kinh tế, về ổn định và phát triển thị trường chứng khoán là giải pháp hết sức quan trọng để cùng với tổ chức tín dụng đảm bảo vốn cho nền kinh tế
Đối với thị trường chứng khoán gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu và phái sinh, việc đảm bảo cho 3 thị trường này một cách minh bạch và đúng đắn hiệu quả thì đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế ổn định.
Trong thời gian vừa qua, đối với thị trường trái phiếu riêng lẻ đã có một số doanh nghiệp lợi dụng lừa dối khách hàng và thực hiện vi phạm trật tự trong quá trình phát hành trái phiếu.
Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ hoàn thiện pháp luật bằng giải pháp ban hành Nghị định 65 về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phân định trách nhiệm rõ ràng hơn, để đảm bảo cho thị trường vận hành minh bạch, đảm bảo trách nhiệm của nhà phát hành và nâng cao nhận thức của những người tham gia trong thị trường này.
Tuy vậy, khi thực hiện triển khai Nghị định 65 đã có một số khó khăn vướng mắc. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm lấy ý kiến đóng góp để ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65 nhằm mục tiêu đảm bảo cho thị trường trái phiếu hoạt động bình thường hiệu quả và đảm bảo minh bạch, bền vững.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Bộ trưởng gửi lời chúc gì nhân dân trên cả nước?
Với mùa Xuân mới, kính chúc nhân dân cả nước có sức khỏe dồi dào và hạnh phúc. Chúc cuộc sống của Nhân dân ngày càng yên vui và đất nước ngày càng phát triển một cách phồn thịnh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng.