Để ngành thủy sản vượt qua khó khăn hơn cả đại dịch Covid-19
Công nhân, người nuôi và cả doanh nghiệp đều khốn đốn
Từ cuối năm 2022, vợ chồng anh Phan Tấn Tài (công nhân một công ty thủy sản ở An Giang) lâm vào cảnh khó khăn khi doanh nghiệp liên tục bị cắt đơn hàng, giảm giờ làm. Mỗi tháng, anh Tài chỉ làm việc được trên dưới 10 ngày, còn vợ anh có tháng không đi làm ngày nào. Nguồn thu nhập bấp bênh đã khiến cả gia đình phải chạy vạy lo từng bữa ăn.
Tình cảnh như anh Tài cũng là câu chuyện chùng của hàng ngàn công nhân thủy sản đang bị mất việc, giãn việc do doanh nghiệp thủy sản gặp vô vàn khó khăn trong xuất khẩu.
Báo cáo Tình hình lao động việc làm quý 2/2023 của Tổng Cục Thống kê (GSO) vừa công bố hồi cuối tháng 6 cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2 ước tính khoảng 1,07 triệu. Tỷ lệ người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Tr.L. |
Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý 4/2022 và tiếp diễn sang quý 2/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Trong quý 2/2023, vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,65% và 2,64%.
Ông Võ Thành Đông, một hộ nuôi cá tra ở tỉnh Tiền Giang nói: "Hồi đầu năm 2023 thủy sản nói chung và cá tra nói riêng có dấu hiệu chựng lại nhưng không thể ngờ khó khăn ập đến nhanh như vậy. Trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng thì chỉ duy nhất giá bán sụt giảm. Có thời điểm, giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 27.500 - 28.500 đồng/kg, với giá này người nuôi cầm chắc lỗ.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra. Ảnh: Tr.L. |
Còn ông Võ Văn Nhựt, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Châu Thành (Đồng Tháp) cho hay: Có thời điểm, 16 xã viên của HTX còn hàng ngàn tấn cá tra chưa tiêu thụ được. Chúng tôi liên tục hối thúc các doanh nghiệp từng có hợp tác với HTX đẩy nhanh tiến độ thu mua nhằm giúp bà con giảm lỗ; thế nhưng các doanh nghiệp cũng chưa thể thu mua thêm nữa, do tình hình xuất khẩu khó khăn…
Một doanh nghiệp thủy sản ở An Giang cho hay, do thiếu đơn hàng nên công ty phải cắt giảm công suất hoạt động 30 - 40%, đây là tình thế bắt buộc đành phải chịu...
Kỳ vọng vào “cú hích” nửa cuối năm 2023
Theo thống kế, trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu USD (giảm 18% so với cùng kỳ, nhưng tăng 3% so với tháng trước) và 156 triệu USD (giảm 26% so với cùng kỳ và giảm 2% so với tháng trước. Xuất khẩu tôm và cá tra trong nửa đầu năm 2023 lần lượt đạt 1,6 tỷ USD (giảm 31% so với cùng kỳ) và 885 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ.
Hoạt động tại một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Cần Thơ. Ảnh: Tr.L. |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, từ những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đối mặt với tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước; chi phí sản xuất tăng cao; khó khăn từ các quy định về IUU...
Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng: Đối với ngành Thủy sản, khu vực ÐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng khi tập trung nhiều vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics, dịch vụ phụ trợ của ÐBSCL phát triển chưa tương xứng. ÐBSCL vẫn chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, quy mô trang trại; hệ thống cung ứng và phân phối vật tư, nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian khiến cho giá thành sản xuất còn cao và khó cạnh tranh.
“Ðây là những trở ngại cơ bản để xuất khẩu thủy sản có thể bắt kịp với xu hướng hiện nay khi mà thị trường thế giới ngày càng quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, ông Hòe nói.
Theo ông Hòe, để tháo gỡ nút thắt cho xuất khẩu thủy sản năm 2023, các doanh nghiệp sẽ tập trung triển khai các biện pháp: chủ động, tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm; tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do; tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng. Về lâu dài, VASEP kiến nghị Chính phủ và địa phương một số nhóm vấn đề như duy trì và phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu; phát triển hệ thống logistics; tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam; khơi thông và phát triển thị trường…
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng VASEP kỳ vọng, nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn do đơn hàng đang tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm. Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL thu hoạch tôm. Ảnh: Tr.L. |
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng VASEP kỳ vọng, nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn do đơn hàng đang tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm.
Cụ thể, tại thị trường Mỹ, sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ.
Tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định trong nửa cuối năm nay. Lạm phát ở EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, cá tra Việt Nam vẫn rộng cửa ở thị trường này.
Riêng thị trường Trung Quốc, VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm nay.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản. Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi; tăng cường kiểm tra việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức kết nối giữa thị trường trong nước và ngoài nước, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước; cung cấp các thông tin về thị trường, thông tin thay đổi chiến lược để doanh nghiệp có biện pháp thích ứng phù hợp. Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động để cung cấp vốn; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu; cần hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận vốn tín dụng phục vụ kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông dân…
Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỉ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản phải là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới... Ðể đạt được mục tiêu trên, chiến lược đề ra các giải pháp, phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách; tăng cường thị trường và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chế biến thủy sản... |
Đà Nẵng: Doanh nghiệp chú trọng chăm lo đời sống, việc làm cho NLĐ Năm 2022, hàng nghìn người lao động (NLĐ) tại Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Công ty CP Dệt may 29/3 ... |
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tuyển lao động chế biến tôm xuất khẩu Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đang hoạt động trong Khu Công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, TP. Đà ... |
Quý kinh doanh kém sắc của doanh nghiệp thủy sản: Lợi nhuận "bốc hơi" quá nửa Trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm mạnh trong quý đầu năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ... |