Đề xuất mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Ảnh minh họa). |
Cụ thể, dự thảo luật BHXH đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (theo chế độ linh hoạt).
Trường hợp người lao động không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với bộ luật Lao động cũng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, hiện nay pháp luật BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt …
Việc mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế của người lao động.
Theo thống kê, đến hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 16 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,5 triệu người.
Bộ Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội dự kiến đối tượng được mở rộng có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội là khoảng 3 triệu người.