Điểm danh các doanh nghiệp ngành điện làm ăn thua lỗ
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp thủy điện |
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện toàn quốc trong quý I/2023 đạt 61,83 tỷ kWh, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Điều này được giải thích bởi nhu cầu điện nhóm ngành công nghiệp giảm.
Cụ thể, nhiều nhóm ngành thâm dụng điện như thép giảm 2,4% so với cùng kỳ và xi măng giảm 9,6% trong bối cảnh hoạt động xây dựng giảm sút khi thị trường bất động sản nhà ở đóng băng cũng như những chậm trễ trong việc giải ngân đầu tư công.
Phần lớn doanh nghiệp thủy điện tăng trưởng âm
Trong nhóm các công ty thủy điện đã công bố báo cáo tài chính quý I, CTCP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc (Nedi 2, mã ND2) là công ty có lợi nhuận giảm mạnh nhất so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu quý I của Nedi 2 đạt gần 38 tủ đồng, giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi trừ đi giá vốn 31 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 7 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Nedi 2 lỗ sau thuế 18,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 28,9 tỷ đồng.
Cùng với Nedi 2, trong quý đầu năm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CTCP Thủy điện Bắc Hà (BHA) giảm 43% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này âm hơn 15 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ Bắc Hà vẫn có lãi hơn 1,2 tỷ đồng.
CTCP Thủy điện Sử Pán 2 (SP2) cũng trong bối cảnh có doanh thủ giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, còn 16,9 tỷ đồng. Kết qyar kinh doanh kém khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 11,6 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp thủy điện khác như CTCP Thủy điện Sê San 4A (S4A), CTCP Thủy điện - Điện lực 3 (DRL), CTCP Thủy điện Hương Sơn (GSM) cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm nhẹ so với quý I/2022, lần lượt đạt 22,2 tỷ đồng, 15,5 tỷ đồng và 9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, CTCP Thủy điện Sông Vàng (SVH) dù có doanh thu quý I đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 18,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng, chi phí lãi vay tăng khiến lãi sau thuế của doanh nghiệp này sụt giảm gần 22%, đạt gần 9 tỷ đồng.
Không thua lỗ nhưng trong quý I, CTCP Thủy điện Nậm Mu (HJS) có doanh thu 7,9 tỷ, giảm 24% so với cùng kỳ.
CTCP Thủy điện A Vương (AVC) là doanh nghiệp thủy điện hiếm hoi vẫn báo lãi trong quý I/2023, với lợi nhuận sau thuế đạt 155 tỷ đồng, tăng 57%.
Doanh nghiệp nhiệt điện cũng thua lỗ nặng
Ở nhóm doanh nghiệp nhiệt điện, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) báo cáo doanh thu thuần quý I đạt 2.571 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tới hơn 98% trong doanh thu khiến lãi gộp chỉ còn 47,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số gần 321 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 10 tỷ, giảm tới 96% so với cùng kỳ do lãi gộp giảm mạnh cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.
Với CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), tình hình cũng không khá hơn là bao khi doanh thu thuần mặc dù tăng gần 22% so với cùng kỳ nhưng giá vốn cũng tăng hơn 24%, khiến lợi nhuận gộp giảm gần một nửa, còn 23,2 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 40%, còn gần 41 tỷ. Sau khi trừ các chi phí, PPC lãi sau thuế quý 1 gần 40 tỷ, chỉ bằng một nửa so với quý 1/2022.
Chiều ngược lại, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) báo lãi sau thuế gần 14,6 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ sau thuế 12 tỷ đồng của cùng kỳ. Doanh nghiệp cho hay, lợi nhuận quý I/2023 tạm tính doanh thu cố định là 46 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 chưa tạm tính doanh thu này.
Ở nhóm điện khí, hiện mới chỉ có Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power, mã POW) công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I với doanh thu 7.914 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ song lợi nhuận trước thuế giảm 34%, còn 579 tỷ đồng.