Điểm tên loạt doanh nghiệp âm nặng dòng tiền trong quý I/2023
Doanh nghiệp xây dựng quý 1/2023: Lợi nhuận bết bát nhưng dòng tiền đã có sự cải thiện |
Dòng tiền chính là “máu” lưu thông trong “cơ thể”, thể hiện nội lực của doanh nghiệp. Khi dòng tiền âm, các doanh nghiệp phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền hoạt động tài chính như vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, bán bớt tài sản… để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác sẽ chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến kỳ.
Dưới đây là những doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh âm nặng trong quý I/2023.
Lộc Trời âm nặng dòng tiền lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ |
Lộc Trời Group âm 2.700 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) vừa cho biết lỗ quý đầu năm và dòng tiền kinh doanh của công ty trong quý vừa qua âm nặng. Theo đó, Lộc Trời lỗ trước thuế 77 tỷ đồng, lỗ ròng 81 tỷ đồng giảm rất mạnh so với khoản lãi 184 tỷ đồng quý đầu năm ngoái.
Chính việc thua lỗ này đã khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lộc Trời âm đến hơn 2.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, tình trạng âm dòng tiền không còn quá xa lạ với doanh nghiệp này ngay cả trong những quý kinh doanh có lãi. Cùng kỳ năm ngoái, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lộc Trời cũng âm hơn 1.100 tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu Thanh Lễ âm 2.216 tỷ đồng
Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim - UPCoM: TLP) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm nặng.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm nay, nhà bán lẻ xăng dầu ghi nhận dòng tiền thuần đạt 140 tỷ đồng. Trong khi, dòng tiền kinh doanh ghi nhận thâm hụt mạnh, âm 2.216 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh được cho là do gia tăng các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cạnh đó công ty cũng tăng chi các khoản khác cho hoạt động kinh doanh.
Cũng theo báo cáo, xăng dầu Thanh Lễ doanh thu thuần đạt 5.511 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Song giá vốn tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 13%, về mức 157 tỷ đồng.
Becamex IDC âm trên 1.000 tỷ đồng
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC – Mã: BCM) cũng công bố Báo cáo tài chính quý I/2023 với dòng tiền kinh doanh âm trên 1.000 tỷ đồng, chạm đáy 4 năm.
Ảnh minh hoạ |
Trong 3 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần của Becamex IDC âm hơn 634 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh của công ty ghi nhận mức thâm hụt lớn nhất kể từ quý I/2019, âm 1.238 tỷ đồng. Công ty lý giải điều này do gia tăng hàng tồn kho, các khoản phải thu và trả lãi vay.
Thu hồi tiền cho vay giúp dòng tiền đầu tư đạt gần 8 tỷ đồng; dòng tiền tài chính cũng ghi nhận gần 596 tỷ đồng do công ty đã tiến hành chi trả 738 tỷ đồng nợ gốc vay và đi vay 1.334 tỷ đồng.
Dầu khí Nam Sông Hậu âm gần 749 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro; mã chứng khoán: PSH) cũng nằm trong danh sách nhóm doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm.
Theo Báo cáo tài chính quý I/2023 vừa công bố, dù doanh thu thuần đạt 3.833 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng 3,5 điểm % lên 9,5%. Thế nhưng, dòng tiền kinh doanh của Nam Sông Hậu âm gần 749 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, Dầu khí Nam Sông Hậu cho biết, do doanh nghiệp gia tăng các khoản phải thu và thanh toán các khoản nợ. Đồng thời, dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận âm gần 43 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền tài chính đạt 757 tỷ đồng do công ty đã tiến hành trả 1.266 tỷ đồng nợ gốc vay nhưng đi vay thêm hơn 2.023 tỷ đồng.
CEO Group âm 333 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, HNX: CEO), dòng tiền kinh doanh quý I/2023 của doanh nghiệp này âm 333 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý I, CEO đạt 357 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự tăng trưởng đồng thời ở cả 2 mảng chính: doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 115 tỷ đồng, tăng 55%; doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 241 tỷ đồng, tăng 10%. Nhờ đó, lợi nhuận gộp đạt 105 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thu hẹp quy mô của dòng tiền đi vay, CEO đã tăng cường thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của các đơn vị khác (138 tỷ đồng) cân đối dòng tiền hoạt động. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần quý I vẫn âm tới 288 tỷ đồng, khiến quy mô vốn bằng tiền sụt giảm mạnh.
Chờ đợi dòng tiền vào giải cứu thị trường |